Giống cà phê dây được phát hiện và trồng tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil gần 30 năm trước, từ rẫy cà phê của vợ chồng bà Trần Thị Kim Mỹ - Nguyễn Quốc Cường ở thôn Thuận Nam, xã Thuận An.
Cụ thể, năm 1993, vợ chồng bà Mỹ phát hiện trong rẫy cà phê của gia đình có 1 gốc cà phê mang nhiều ưu điểm như trái to, dễ hái, kháng nấm và đặc biệt là chống hạn tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tuy nhiên, lúc đó, gia đình bà Mỹ chưa dám nhân rộng mô hình mà chỉ tích cực chăm sóc, bảo vệ, theo dõi để đánh giá thêm tính ưu việt của giống cà phê này.
Bà Trần Thị Kim Mỹ cho biết, qua nhiều năm theo dõi, vợ chồng bà thấy giống cà phê này có nhiều ưu điểm nổi trội như cành dự trữ nhiều, dễ chăm sóc, tưới nước ít, chịu được hạn hán, gió, tán thấp, cành rũ. Loại cà phê này có tên gọi là cà phê dây bởi xuất phát từ đặc tính cành nhánh khá dài, ít cành tăm, khi đậu trái thì cành thòng xuống, mềm mại như cái dây dài.
Đặc biệt, loại cà phê này ít bị các loại sâu bệnh hại như: rệp sáp, rệp vảy, sâu đục thân cành, mọt đục quả, bệnh gỉ sắt, nấm hồng…Một ưu điểm nổi trội của loại cà phê này là cho năng suất cao 5 -6 tấn/ha, cá biệt có những vườn đạt trên 8 tấn/ha, thời gian thu hoạch muộn hơn các giống cà phê khác khoảng 1 tháng nên chủ động được nhân công thu hái.
Bà Trần Thị Kim Mỹ, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông vui mừng cho biết: "Khi được công nhận lưu hành đặc cách giống cà phê dây, gia đình tôi rất vui mừng, có thể nhân rộng giống này cho bà con cùng phát triển cà phê bền vững".
Với những ưu điểm vượt trội so với các giống cà phê khác trên địa bàn, đến tháng 7/2019, 110 cây cà phê dây của cơ sở sản xuất giống Mỹ Cường đã được Sở NN &PTNT tỉnh Đắk Nông công nhận vườn cây đầu dòng, từ đó gia đình bà Mỹ không ngừng cải tiến các biện pháp kỹ thuật để mang đến cho người trồng những bầu giống, chồi ghép chất lượng nhất.
Thời gian qua, cơ sở ươm giống Mỹ Cường đã cung cấp cho người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước, Gia Lai, Sơn La… từ 15 – 20 vạn bầu giống cà phê dây.
Được Bộ NN-PTNT công nhận lưu hành đặc cách giống cà phê dây, đây là vinh dự cũng là trách nhiệm của gia đình bà Mỹ, ông Cường và của cả người dân địa phương. Theo đó, để cây giống đạt chất lượng gia đình bà Mỹ luôn chọn cây giống có bộ rễ tốt, chồi đạt tiêu chuẩn, giúp bà con trồng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, gia đình bà Mỹ có trách nhiệm chăm sóc, quản lý, bảo vệ và khai thác giống đúng quy trình và theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Theo Tiến sỹ Lê Đăng Khoa, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế - Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên: "Việc Bộ NN-PTNT cho phép giống cà phê dây được lưu hành đặc cách ở quy mô quốc gia là một lợi thế lớn cho Đắk Nông, nhất là đối với chương trình phát triển cà phê chất lượng cao, đặc sản. Do đó, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp để giúp người dân sản xuất hiệu quả, cho ra sản phẩm chất lượng cao".
Tiến sỹ Lê Đăng Khoa còn lưu ý, ngành chức năng của Đắk Nông cũng cần giúp người dân sản xuất cà phê áp dụng tốt các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp như IPM, ICM..., nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Luật Trồng trọt năm 2018, giống cây trồng được công nhận lưu hành đặc cách là giống phát triển tại địa phương, có đặc điểm nổi trội về năng suất, chất lượng; chống chịu với thời tiết, sâu bệnh, dịch hại tốt... Những loại giống được lưu hành đặc cách phải đáp ứng được các điều kiện chính như cây đặc sản, cây bản địa, cây đã tồn tại lâu dài trong sản xuất, được địa phương đề nghị...
Việc Bộ NNPTNT công nhận lưu hành đặc cách giống cà phê dây Thuận An là cơ hội lớn cho Đắk Nông trong quá trình nâng cao hiệu quả ngành hàng cà phê, tạo động lực lớn cho chương trình tái canh cà phê và nâng cao giá trị sản phẩm cà phê của tỉnh, tạo ra cơ hội lớn trong việc phát triển dòng cà phê đặc sản của Đắk Nông.
Tuấn Bình - Thành Lam