Sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy cây bưởi da xanh thích hợp trên đất đá, anh Vũ Bá Quang, ở thôn 3, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã xuống Đồng Nai mua giống về trồng. Đến nay, sau 6 năm trồng, 5 sào bưởi da xanh xen ổi đã cho kinh doanh, mỗi quả đạt trọng lượng trên 2kg, với giá bán 35.000 đồng/kg tại vườn, mang lại thu nhập cao hơn so với cây cà phê. Anh Quang cho biết, bưởi Da xanh phù hợp với đất đá, có đầu ra ổn định và không mất nhiều công chăm sóc.

Vườn bưởi da xanh 1ha của gia đình anh Võ Quang Bình trồng trên đất sỏi năm nay cũng bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh. Trước đây, trên diện tích đất sỏi này anh Bình trồng cà phê nhưng năng suất không cao nên gia đình chuyển sang trồng bưởi da xanh. Mặc dù bưởi da xanh thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương nhưng so với các giống bưởi khác, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, nhất là biện pháp để không bị ruồi vàng chích gây rụng quả.

Điểm nổi bật trong mô hình trồng cây bưởi da xanh trên địa bàn là nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ. Đặc biệt, nông dân không phun thuốc “xử lý” quả trái vụ mà thực hiện cắt tỉa cành, điều chỉnh bón phân và tưới nước để cây trổ bông, thu hoạch đúng mùa. Khi cây ra quả, nhà vườn dùng bao bọc trái để không bị ruồi vàng chích, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương và nỗ lực của người dân, những diện tích đất hoang hóa, cằn cỗi trước đây đã trở thành những vườn bưởi da xanh tươi tốt. Hiệu quả bước đầu của mô hình trồng bưởi da xanh đã mở ra một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, giúp nông dân gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.
T/h: Phan Đông - Xuân Trí