Hàng trăm trường hợp vi phạm
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BTVT) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết tháng 7, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (phân bố tại 54/63 tỉnh, thành phố) sang 11 thị trường. Vùng ĐBSCL có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với 3.975 mã (chiếm 57%) đang hoạt động. Riêng Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp, lớn nhất cả nước.
Với cơ sở đóng gói, cả nước có 1.588 cơ sở đang hoạt động được cấp mã số. Vùng ĐBSCL đứng đầu với 626 mã số cơ sở đóng gói (chiếm hơn 39%). Tiền Giang là tỉnh được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu nhiều nhất cả nước với 850 mã số. Tuy nhiên, thông qua công tác giám sát định kỳ, đến nay tỉnh này đã thu hồi 535 mã số không đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
|
Theo cảnh báo từ phía Trung Quốc, mít là mặt hàng vi phạm nhiều nhất về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
|
Cục BVTV cho biết, từ năm 2021 đến tháng 7 đã nhận 4 đợt thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng xuất khẩu không tuân thủ kiểm dịch thực vật. Cả nước có 750 trường hợp vi phạm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trong đó, 3 tỉnh đứng đầu lần lượt là Tiền Giang 267 trường hợp, Tây Ninh 204 trường hợp, Đồng Nai 186 trường hợp…
Tuy nhiên, hầu hết các Chi cục BVTV mới chỉ đánh giá được thực trạng của vùng trồng, còn cơ sở đóng gói không nêu được rõ nguyên nhân không tuân thủ, một số sau khi đánh giá thì đề nghị thu hồi, một số khẳng định chưa sử dụng mã số, thậm chí có cơ sở đóng gói không có hồ sơ truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang, khi triển khai cấp mã số vùng trồng, địa phương đã chỉ đạo quán triệt, yêu cầu các huyện, xã tăng cường kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, do tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhiều trong khi nhân lực giám sát còn hạn chế, đã đến đến các vi phạm.
“Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể để tiến hành kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh lại tình trạng vi phạm về mã số vùng trồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt vấn đề này", ông Nam cho hay.
Chuyển biến rất chậm
Theo Cục BVTV, công tác giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các tỉnh đã được quan tâm hơn nhưng chưa có nhiều thay đổi rõ nét. Hầu hết các tỉnh mới chỉ quan tâm đến hướng dẫn thiết lập và cấp mới mà chưa tập trung nguồn lực cho giám sát các mã số sau khi được phê duyệt.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng vi phạm phải nhận cảnh báo từ cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu hoặc buộc phải quay đầu xe ngay tại các cửa khẩu của Việt Nam do phát hiện có đối tượng kiểm dịch thực vật. Hiện cả nước mới giám sát được 2.640 mã số vùng trồng (đạt gần 41%) và 478 mã số cơ sở đóng gói (đạt 27%)...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, trong 8 tháng đầu năm, phía Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng, với 439 trường hợp vi phạm. Bộ NN&PTNT đã nhiều lần cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh nhưng chuyển biến ở các địa phương rất chậm, thậm chí có nơi còn tệ hơn.
“Nếu cứ tiếp tục vi phạm, thời gian tới Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp tăng cường như cho ngưng nhập khẩu. Với diện tích sầu riêng hiện nay, chúng ta bán đi đâu? Kể cả thanh long, xoài cũng vậy. Khi đó chúng ta yêu cầu đàm phán lại thì mất 3-5 năm nữa. Với 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam đều có mặt ở Trung Quốc, chỉ cần dừng xuất khẩu 1 loại thôi đã không ổn, sẽ dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cảnh báo.
Ông Trung mong muốn các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương quan tâm, lưu ý hơn khi cấp và quản lý mã số vùng trồng, tuân thủ theo các yêu cầu của nghị định thư, cũng như đáp ứng các quy định của nhà nhập khẩu…
Cục BTVT khuyến cáo vùng trồng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất và tuân thủ yêu cầu nước nhập khẩu, hướng đến thực hành VietGAP, đặc biệt chú trọng việc ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác. Thường xuyên theo dõi, giám sát và xử lý dứt điểm các loại sâu bệnh, đặc biệt là các loài gây hại mà nước nhập khẩu quan tâm. Cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc. Đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.
Theo tienphong.vn