Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu địa phương. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười tham dự tại điểm cầu Trung ương. Tại điểm cầu Đắk Nông, TUV, PCT UBND tỉnh Lê Trọng Yên cũng lãnh đạo một số sở, ngành tham dự.
Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng gần 13% hệ thống điện.
Những kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện VIII, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, một số công trình, dự án triển khai tại một số địa phương trong đó có Đắk Nông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, có cả sai phạm. Các sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận cụ thể; cần được bóc tách, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, việc chậm trễ không đưa các dự án vào khai thác sử dụng sẽ gây lãng phí rất lớn đối với nguồn lực xã hội, không tận dụng được nguồn điện sẵn có để bù đắp, bảo đảm cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng; hệ luỵ có thể gây nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, không trả nợ được ngân hàng, dẫn đến phá sản các doanh nghiệp, người dân mất tiền bạc, ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh.
Tại Đắk Nông, một số dự án điện gió cũng chưa thể hòa lưới điện quốc gia vì vướng mắc liên quan đến quy hoạch Bô xít.
Phát biểu trực tiếp tại Hội nghị trực tuyến ở điểm cầu Hà Nội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho biết, theo kết luận số 1027/KL-TTCP tỉnh Đắk Nông có 10 dự án sai xót về trình tự thủ tục đầu tư, UBND tỉnh Đắk Nông đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan và báo cáo Chính phủ.
Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án Năng lượng tái tạo được ban hành là kịp thời tạo điều kiện cho các địa phương huy động nguồn lực đầu tư, góp phần ổn định an ninh chính trị- trật tự xã hội, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để tiếp tục thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, quy hoạch điện VIII, cam kết COP26 ... và định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắk Nông cam kết sẽ phối hợp tốt với các bộ, ngành; chỉ đạo, lãnh đạo địa phương tập trung xử lý những vấn đề tồn tại theo quan điểm, phương hướng đã chỉ đạo trong Nghị quyết.
Đắk Nông hiện có 06 dự án điện gió với tổng công suất 430MW, hiện nay có 01 dự án 50MW đã vận hành, còn 05 dự án đang triển khai và chưa hòa lưới điện quốc gia.
Để kịp thời tháo gỡ, sớm đưa các dự án vướng mắc vào vận hành cũng như việc đề xuất bổ sung các dự án tiềm năng khác theo chủ trương của Nghị quyết, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười mong muốn Thủ tướng Chính phủ, cùng các bộ, ngành liên quan; đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn tỉnh Đắk Nông xử lý đến kết quả cuối cùng để các dự án sớm đi vào vận hành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp và địa phương trong việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời và thủy điện. Đồng thời khẳng định, Chính phủ không hợp thức hoá những người làm sai nhưng phải có giải pháp cho những công trình đã đầu tư hoàn chỉnh, cần khai thác để không lãng phí nguồn lực của xã hội.
Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án năng lượng tái tạo phải công khai, minh bạch, không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu. Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành phải khẩn trương vào cuộc, chủ động thực hiện các giải pháp để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm.
Hải Thanh – Minh Tiền