Công trình nước sạch tập trung ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa được đầu tư khoảng 400 triệu đồng từ năm 2005. Công trình chỉ đưa vào sử dụng được vài năm đã ngưng hoạt động. Từ đó đến nay, người dân trong bon phải tự mình xoay xở để có nước sinh hoạt.
Qua khảo sát, hiện toàn xã Đắk Nia có 11 công trình nước sạch tập trung thì có tới 8 công trình đang trong tình trạng tương tự. Người dân cho rằng, quá trình tư vấn thiết kế, thi công “có vấn đề” nên công trình mới đưa vào sử dụng đã không có nước, ảnh hưởng trực tiếp đến 170 hộ dân nơi đây.
Trong khi đó, công trình nước sạch tập trung tại thôn Đắk Tân cách đó không xa may mắn hơn khi vận động được các mạnh thường quân giúp đỡ. 34 hộ dân và một phân hiệu trường mẫu giáo tại đây đã có nước sạch để sử dụng. Tuy nhiên, tổ vận hành công trình nước sạch này không ai có chuyên môn, nên việc duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là những khi công trình xảy ra sự cố.
Trước thực trạng này, Đắk Nông vừa kiến nghị Trung ương đầu tư thêm 100 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa một số công trình nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh, qua đó thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống hạn, giảm thiểu tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đảm bảo đời sống cho người dân trong mùa khô năm 2024 sắp tới.
Công trình nước sạch nông thôn là hạ tầng quan trọng, cung cấp nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh, phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, ngoài việc đầu tư thì công tác quản lý, vận hành để các công trình này phát huy hiệu quả luôn là bài toán khó với Đắk Nông trong thời gian qua. Nếu không quyết tâm giải bài toán này, các công trình nước sạch hiện hữu sẽ khó phát huy tối đa công năng sử dụng, dẫn đến lãng phí tài sản công, giảm hiệu quả của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường tại khu vực nông thôn./.
Hải Thanh