Được biết đến là trang trại trồng sầu riêng lớn nhất nhì tỉnh Đắk Nông, với diện tích hơn 17ha, sản lượng đạt hơn 100 tấn/năm, hiện nay trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa đang làm thủ tục, hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng. Vậy nên những thông tin được cung cấp tại lớp tập huấn rất có ý nghĩa đối với ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ Trang trại Gia Trung. Bởi từ nay ông nắm rõ hơn quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sầu riêng và thiết lập mã vùng trồng.
Trang trại Gia Trung đang làm thủ tục, hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Chủ trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, Đắk Nông chia sẻ: “Hiện nay để xây dựng mã vùng trồng hướng tới xuất khẩu, phải sản xuất theo quy trình và theo yêu cầu của nhà nhập khẩu; có chế độ giám sát cho từng loại dịch hại và chế độ chăm sóc theo quy trình; thuốc BVTV phải nằm trong danh mục cho phép của Việt Nam và của nhà nhập khẩu; nhà nhập khẩu Trung quốc rất quan tâm loại dịch hại rùi đục quả cho nên mình phải có chế độ giám sát để theo dõi định kỳ”.
Tỉnh Đắk Nông hiện có 4.957 ha sầu riêng và hơn 1.600ha chanh leo. Tuy nhiên, phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, diện tích sầu riêng, chanh leo và các loại cây ăn quả đủ 10 ha trở lên còn ít. Do đó, việc thiết lập mã vùng trồng còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, tham gia tập huấn, các tổ chức, cá nhân nâng cao hiểu biết về lợi ích khi được cấp mã số vùng trồng, những yêu cầu đối với sản xuất khi có mã vùng trồng, từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung, áp dụng quy trình canh tác hiệu quả, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản xuất.
Chanh leo đang được nhiều nông dân tại Đắk Nông tập trung sản xuất
Bà Lầu Kiều Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, Đắk Nông cho biết: “Hiện nay nhiều loại nông sản chưa hình thành vùng trồng tập trung và không đủ 10 ha nên đơn vị phải tập trung nhiều hộ dân lại. Thời gian để xây dựng hồ sơ mất nhiều công sức, do quy mô nhỏ lẻ lại không giáp ranh với nhau, nên phải đến từng địa phương lấy tọa độ của những mảnh vườn đó thì mới làm được vùng trồng cho các hộ dân. Riêng với sầu riêng người dân đã ý thức được tầm quan trọng của mã vùng trồng, nhưng với những nông sản khác người dân lại chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của nó. Vì người dân cho rằng, trước nay không có mã người dân vẫn bán được. Tuy nhiên, để truy suất nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo đủ điều kiện để có thể xuất khẩu sang các nước khác, không chỉ với sầu riêng mà với tất cả các cây trồng khác, phải xây dựng mã vùng trồng”.
Không chỉ sầu riêng mà các loại nông sản khác cũng cần áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hướng đến xuất khẩu
Tính đến ngày 02/12/2022 Chi cục phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận 61 hồ sơ đăng ký vùng trồng và cơ sở đóng gói, đã hoàn thiện gửi Cục bảo vệ thực vật 28 hồ sơ, những hồ sơ còn lại đang kiểm tra, đánh giá. Hiện nay, số cơ sở được cấp mã số rất ít, lũy kế đến nay mới chỉ có 03 mã số vùng trồng gồm 02 cơ sở đóng gói được cấp mã số.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông vẫn đang tiếp tục hướng dẫn cho các nông hộ, HTX, doanh nghiệp các quy định về cấp mã số vùng trồng và những yêu cầu bắt buộc khi thiết lập vùng trồng…
Mã số vùng trồng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch, nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc. Tại các cửa khẩu, hải quan nước nhập khẩu sẽ kiểm tra nguồn gốc lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong vùng trồng đã được cấp mã số vùng trồng sẽ bị từ chối.
Tuấn Bình – Văn Vân