Hiện nay, nhiều trường học ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận trường hợp đau mắt đỏ. Riêng tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô đã ghi nhận 2 ổ dịch tại 2 trường, với tổng số 73 ca mắc. Để hạn chế lây lan, các trường đã phối hợp với phụ huynh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Từ 12/9 đến nay, bình quân mỗi ngày, Khoa mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 70-80 trường hợp đau mắt đỏ, tăng nhiều lần so với thời điểm trước đó. Có những gia đình cả nhà 3-4 người đều bị đau mắt đỏ.
Theo bác sĩ Lê Thị Hà Vy, Khoa mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông: "Bệnh đau mắt đỏ do virus gây ra và hiện chưa có thuốc đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng để tránh các nhiễm trùng. Virus gây đau mắt đỏ là loại lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, đường nước… nên dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch".
Đau mắt đỏ là bệnh thông thường, không nguy hiểm tính mạng nên nhiều người chủ quan, tự điều trị bằng các phương pháp dân gian hoặc tự ý mua các loại thuốc có corticoid để chữa trị. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, việc tự ý chữa trị, không đúng chỉ định sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, ngành Y tế khuyến cáo người dân:
Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn.
Sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) để rửa mắt khi đi bên ngoài về.
Người mắc bệnh cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với mọi người xung quanh, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người.
Dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối.
Khi khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng để tránh tái nhiễm lại.
Ngoài ra, người dân không nên tự mua thuốc điều trị đau mắt đỏ, tránh gây nên biến chứng nặng. Khi bị đau mắt đỏ, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nặng.
Ngô Lan-Văn Chinh