Đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS là hợp lý. Ảnh: Sơn Tùng
Hiện nay, gần như 100% học sinh trên cả nước hoàn thành chương trình THCS nhờ chính sách phổ cập giáo dục đã được triển khai rộng khắp.
Trong bối cảnh đó, bằng tốt nghiệp THCS thực tế không còn mang ý nghĩa “chứng nhận thành tích” mà chỉ là một điều kiện thủ tục hành chính để học sinh tiếp tục vào lớp 10 hoặc học nghề.
Việc tiếp tục tổ chức cấp bằng THCS không còn phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (theo luật Giáo dục hiện hành, bằng tốt nghiệp THCS do phòng giáo dục cấp), không đem lại giá trị thực tiễn, mà còn tạo thêm thủ tục, chi phí và tiềm ẩn nguy cơ hình thức hóa trong công tác giáo dục.
Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã bỏ xếp loại giỏi, khá, trung bình trên bằng tốt nghiệp cấp học này.
Bây giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đề xuất giao hiệu trưởng xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay vì cấp bằng có thể coi là một bước tiến theo hướng phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục - điều mà ngành giáo dục Việt Nam đã nhấn mạnh trong nhiều năm qua.
Đây cũng là nguyên tắc phổ biến trong hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan…, nơi bằng tốt nghiệp cấp hai không tồn tại mà chỉ cần xác nhận hoàn tất chương trình để học tiếp lên bậc cao hơn hoặc phân luồng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, sự thay đổi này sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không đi kèm với cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông một cách nghiêm túc và minh bạch.
Khi giao quyền xác nhận cho hiệu trưởng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đặt niềm tin lớn hơn vào năng lực quản trị của nhà trường và vai trò cá nhân của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Nếu thiếu kiểm soát, có thể dẫn đến tình trạng “xác nhận cho có”, làm suy giảm chất lượng phân luồng, đặc biệt ở những nơi có áp lực đầu vào lớp 10 cao hoặc các cơ sở đào tạo nghề.
Ở góc độ tích cực, bỏ bằng, hướng tới xác nhận quá trình học tập thông qua học bạ và đánh giá toàn diện là một tư duy giáo dục tiến bộ. Việc này đòi hỏi các nhà trường tới đây phải tổ chức giảng dạy thật, học thật, chấm điểm thật, thay vì chỉ dựa vào kỳ thi hoặc một tờ giấy chứng nhận mang tính hình thức.
Về lâu dài, đây là cơ hội để ngành giáo dục Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào “tư duy bằng cấp”, từ đó mở rộng các hình thức đánh giá học sinh linh hoạt, cá nhân hóa, phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp.
Việc xác nhận thay bằng, nếu được tổ chức nghiêm túc và đồng bộ trong hệ thống, sẽ góp phần tiết kiệm nguồn lực, giảm áp lực cho cả học sinh, phụ huynh và nhà trường.
Quan trọng hơn, nó góp phần củng cố một thông điệp: giá trị thật sự không nằm ở tờ bằng, mà nằm ở năng lực, phẩm chất và khả năng học tập suốt đời của mỗi người.
Theo laodong.vn
