Ngày 1/12, ông Nguyễn Hồng Định, ở TDP Nghĩa Tín, phường Quảng Thành, TP.Gia Nghĩa đến Phòng tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông tiêm mũi cuối cùng vắc xin phòng chống bệnh dại sau phơi nhiễm.
Cuối tháng 10 vừa qua, con chó của gia đình ông Định bị một con chó lạ cắn. Sau đó, chính con chó của ông lại cắn vào ngón chân của ông. Sau khi cắn, con chó có biểu hiện ốm và chết. May mắn là ông Định đã chủ động đi tiêm phòng bệnh dại kịp thời.
Ông Định chủ động tiêm vắc xin phòng dại sau khi phát hiện con chó cắn ông đã chết
Ông Nguyễn Hồng Định, ngụ TDP Nghĩa Tín, phường Quảng Thành, TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông cho biết: “Tôi bị chó của gia đình cắn, trước đó, con chó của gia đình bị chó lạ cắn, 3 ngày sau con chó của gia đình chết. Dù chó cắn không để lại vết thương lớn lắm, nhưng mà cảnh giác và cũng lo ngại nên tôi chủ động đi tiêm vắc xin phòng dại”
Bà Ngô Thị , ở TDP 2, phường Nghĩa Tân, TP.Gia Nghĩa hiện đang trong giai đoạn tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Cách đây 4 ngày, khi đang đứng ở cổng Trường Mầm non Bé Yêu, bà Thắm bị một con chó lạ tấn công, gây nhiều vết thương lớn ở chân.
Đã qua nhiều ngày, nhưng bà Thắm vẫn chưa hết hoàng hồn vì bị chó tấn công
Bà Ngô Thị Thắm, ngụ TDP 2, phường Nghĩa Tân, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho hay: “Chó bất ngờ tấn công, tôi đưa chân lên thì bị cắn, sợ quá tôi vứt xe, nhưng lúc đó tôi mệt, xỉu xuống. Tôi mong muốn các hộ gia đình nuôi chó nên tiêm phòng cho chó là tốt nhất, những người nào bị chó cắn nên đi tiêm ngừa, bảo vệ tính mạng là trên hết”.
Năm 2022, Đắk Nông ghi nhận 11 ổ dịch dại trên động vật (chó), trong đó: huyện Krông Nô 5 ổ dịch, TP.Gia Nghĩa 4 ổ dịch, huyện Đắk Glong 1 ổ dịch và huyện Đắk Song 1 ổ dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng chống bệnh dại sau phơi nhiễm cho 2.188 trường hợp và tiêm huyết thanh kháng dại cho 299 trường hợp. Hiện Đắk Nông đang bước vào mùa khô, thời tiết nắng nóng môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi rút dại trên động vật và nguy cơ ghi nhận các trường hợp phơi nhiễm do bệnh dại trên người là rất lớn.
Thói quen thả rông chó trong cộng đồng dân cư xảy ra ở khắp mọi nơi, rất ít hộ chấp hành quy định rọ mõm chó
Y học khẳng định, bệnh dại khi đã lên cơn thì 100% bệnh nhân tử vong, đến nay chưa có thuốc chữa. Bệnh dại nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được bằng nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là:
Tiêm đầy đủ vắc xin phòng dại cho chó, mèo.
Không thả rông chó; khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây dẫn, có rọ mõm, có người dắt.
Khi bị chó, mèo cắn, cào phải đến ngay các cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và điều trị dự phòng bệnh dại, tuyệt đối không dùng thuốc nam để chữa bệnh dại.
Ông Ê Ban Thanh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông: “Theo quy định, ngành y tế phòng bệnh dại cho những người đang làm nhiệm vụ gồm: lực lượng nhân viên thú ý, cán bộ y tế đi cơ sở tiếp cận nhà dân. Bên thú y phải phối hợp với chính quyền địa phương và các tuyến cơ sở để triển khai tiêm vắc xin cho đàn chó; còn cộng đồng và người dân ở cộng đồng nuôi chó thì không thả rông, mà thả rông thì phải rọ mõm. Người dân phải tự phòng bệnh dại khi bị chó cắn. Trường hợp bị phơi nhiễm ở mức độ 1, 2,3 sẽ tiêm phòng vắc xin và trung hòa độc tố khán dại".
Chó thả rông như thế này, nguy cơ tấn công người rất dễ xảy ra
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Trung bình mỗi năm, cả nước có 76 ca tử vong do bệnh dại. Bộ Y tế phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Việt Nam cam kết đạt được mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh dại từ năm 2030 thông qua việc phê duyệt Chương trình Quốc gia về Phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022–2030. Để thực hiện được mục tiêu trên, cùng với sự nỗ lực ngành Y tế, ngành Thú y, cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Ngô Lan-Văn Chinh