Tận dụng lại các trụ gỗ trên diện tích tiêu chết vì bệnh, tháng 5/2021 ông Triệu Hoàng Toán ở thôn Hà Thông, xã Đắk Wil quyết định chuyển sang trồng gấc trên diện tích 3 sào rưỡi, vốn đầu tư ban đầu khoảng 14 triệu đồng. Sau 5 tháng chăm sóc, vườn cây cho gia đình thu hoạch lứa đầu tiên và cả mùa đạt 2 tấn quả tươi. Bước sang năm thứ 2 này, gấc chín sớm hơn gần 1 tháng, tỷ lệ đậu quả và trọng lượng đều lớn hơn, ông Toán ước đạt sản lượng sẽ trên 10 tấn.
Những năm trước, cây gấc từng được người dân vùng biên giới Đắk Wil canh tác nhưng với diện tích nhỏ lẻ, từ 1-2 sào, chủ yếu để cung cấp cho người dân, chợ dân sinh trong vùng. Từ năm 2021, HTX gấc Nam Hà ở thị trấn Ea Tling bắt đầu liên kết sản xuất, cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Diện tích trồng gấc vì thế tăng dần. Theo Hội Nông dân xã Đắk Wil, tính đến tháng 9, tòan xã Đắk Wil có 11 hộ liên kết trồng gấc với HTX, trên diện tích khoảng 4,6ha. Đa phần các vườn cây hiện đã bước vào giai đoạn thu hoạch.
Gấc là cây trồng nhanh cho thu hoạch sau khi xuống giống, chỉ khoảng 4-5 tháng, nhưng thời gian khai thác vườn cây lại kéo rất dài, có thể lên đến chục năm. Vốn đầu tư thấp, chủ yếu là chi phí ban đầu để làm cột, giàn neo, trong khi giống cây hiện nay đã có nhiều cải tiến, cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng thơm ngon. Vụ thu hoạch gấc cũng kéo dài, từ tháng 9 năm nay đến tháng 2 năm sau. Đây là một lợi thế cho người trồng khi không bị áp lực về nhân công thu hoạch và có nguồn thu nhập liên tục.
Hiện tại, quả gấc tươi đang được HTX Nam Hà thu mua, tiêu thụ cho các hộ liên kết với giá 6.000 đ/kg, tăng 2.000 đ so với vụ sản xuất 2021. Với năng suất khoảng 4 tấn/vụ, chưa trừ chi phí, người trồng sẽ có thu khoảng 24 triệu đồng/sào. Đây là nguồn thu đáng kể khi ngành nông nghiệp đang khuyến khích nông dân đa dạng hóa cây trồng, đồng thời tận dụng được vật tư từ các vườn tiêu sâu bệnh.
T/h: H’Loan- Xuân Trí