Đã hơn 01 ngày sau sự việc 02 học sinh của trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Gia Nghĩa bị chó thả rông tấn công ngay cổng trường học, cô Nguyễn Thị Duy Phương, cán bộ phụ trách y tế của trường vẫn chưa hết bàng hoàng.
Vào giờ tan trường, khi 02 em học sinh khối lớp 3 đang đứng ở cổng trường chờ phụ huynh tới đón thì bất ngờ bị chó tấn công gây thương tích nặng ở vùng mặt và tay chân.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cô cùng với Ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh học sinh đã tiến hành sơ cấp cứu cho các cháu, đồng thời chuyển cháu lên cơ sở y tế tuyến trên để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Từ thực tế đau lòng trên cho thấy, chủ vật nuôi đã không tuân thủ các quy định an toàn, thiếu ý thức khi thả rông chó dẫn đến việc chó cắn người gây thương tích.
Thực tế hiện nay, đại đa số người dân vẫn còn tâm lý chủ quan trước những mối nguy hiểm thường trực từ chó, mèo. Đặc biệt, tại nhiều khu dân cư, tình trạng chó, mèo thả rông còn diễn ra khá phổ biến.
Theo quy định tại khoản 2, điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2020/NĐ-CP), chủ nuôi động vật (chó, mèo…) bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi không tiêm vắc - xin phòng bệnh dại cho chó, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Nếu để chó phóng uế ở nơi công cộng thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Trường hợp chó cắn người gây thương tích thì chủ nuôi phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại điều 603 Bộ luật Dân sự 2015. Thiệt hại phải bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, giảm sút của người bị thiệt hại...
Đối với trường hợp chó cắn chết người, nếu xác minh được việc để chó gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Huy, để giải quyết triệt để “nạn” chó mèo thả rông phổ biến như hiện nay, không chỉ trông chờ vào ý thức của chủ nuôi mà các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương cần triển khai các biện pháp quyết liệt, đủ sức răn đe, thậm chí có thể thành lập các đội cơ động truy quét chó mèo thả rông và xử phạt nghiêm minh các trường hợp không chấp hành quy định.
Thực tế cho thấy, vấn đề quản lý và chế tài xử lý đối với các cá nhân, hộ gia đình không chấp hành các quy định về nuôi chó, mèo tại khu dân cư đã được quy định rõ ràng trong luật.
Tuy nhiện, tại các địa phương, trong đó có Đắk Nông, việc này lại chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng chủ vật nuôi để chó, mèo thả rông diễn ra phổ biến tại các khu dân cư.
Đã có không ít vụ chó, mèo tấn công người gây ra thương tích, thậm chí tử vong. Vì vậy, thời gian tới, cần hơn nữa những giải pháp quyết liệt mang tính đồng bộ từ các ngành chức năng./.
Hải Thanh – Thành Lam