Hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra 12 đợt mưa lớn, giông lốc mạnh kèm sấm sét, thiên tai gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.
Điển hình, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã xảy ra sạt lở tại Hồ chứa nước Đắk N’ting, đường HCM đoạn qua địa bàn Gia Nghĩa; sạt lở đất tại khu vực 2 bon Bukrắc và Buprăng 1A, xã Quảng Trực, đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê.
Mưa lũ năm 2023 đã làm 02 người thiệt mạng, 378 căn nhà, vật kiến trúc bị sập, tốc mái, ngập lụt, trên 1.000ha cây trồng bị ngập úng, tổng thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, khô hạn kéo dài, ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân và thiệt hại nhiều diện tích cây trồng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Bình – Giám đốc Đài KTTV tỉnh Đắk Nông trao đổi một số nội dung về dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mùa mưa năm nay sẽ diễn biến bất thường, nguy cơ xảy ra thiên tai ở nhiều địa phương. Vì vậy các đơn vị cần chủ động phương án ứng phó với các sự cố về thiên tai.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, ngoài những nguyên nhân từ diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương cũng có những tác động từ phía con người.
Đặc biệt, tình trạng san ủi đất trái phép, tàn phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, xây dựng các công trình dân dụng lấn chiếm sông suối, thay đổi dòng chảy cũng là những lý do khiến thiệt hại do thiên tai gây ra năng nề hơn tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với các công trình giao thông cần có thiết kế và khảo sát kỹ để đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh tới vai trò chủ động của các ngành, các cấp và chính quyền các địa phương trong công tác phòng ngừa những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đặc biệt, hiện nay, với sự đầu tư rất lớn dành cho công tác cảnh báo thiên tai, các ngành, địa phương cần chủ động nắm chắc thông tin cảnh báo sớm để xây dựng phương án ứng phó kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên yêu cầu các ngành, các cấp và chính quyền các địa phương cần phải chủ động trong công tác phòng chống thiên tai
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cũng yêu cầu các đơn vị thủy điện hoạt động trên địa bàn tỉnh cần có phương án điều tiết nước hợp lý để ứng phó tốt với tình hình mưa lũ trong năm 2024.
Đặc biệt chú trọng đến công tác an toàn hồ đập, xả lũ và điều tiết nước cho vùng hạ du; khẩn trương tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi, đường xá, cầu cống đang bị sự cố trước mùa mưa bão năm 2024; nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cường sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các đơn vị để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Hải Thanh – Văn Vân