Gia tăng ca nặng, nhiều bệnh nhân nguy kịch
Tính đến sáng 6.2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 13 ca cúm nặng. Trong đó, bệnh nhân V.V.U (62 tuổi, Đông Triều, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhưng kiểm soát kém. Ông nhập viện nhiều lần trong năm qua do COPD.
Ba ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt, ho, khó thở tăng dần. Sau hai ngày điều trị tại cơ sở y tế nhưng suy hô hấp không cải thiện, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, xác định dương tính với cúm A và chuyển lên tuyến trên. Hiện tại, sau hai tuần điều trị, bệnh nhân vẫn phải duy trì ống nội khí quản và ăn qua sonde dạ dày.
Bệnh nhân L.V.T (58 tuổi, Sơn Dương, Tuyên Quang) có tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lá 30 năm. Ông tự điều trị cúm tại nhà một tuần nhưng bệnh không thuyên giảm, sau đó nhập viện với tình trạng khó thở nặng. Dù được điều trị tích cực, tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản. Sau 4 ngày, sốt giảm nhưng ba ngày sau lại tái sốt cao 39 độ. Xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, bệnh diễn tiến nhanh thành sốc nhiễm trùng.
Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực trong tình trạng suy hô hấp nặng, X-quang phổi tổn thương lan rộng 80-90%. Trước nguy cơ suy hô hấp không hồi phục, bệnh nhân được đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Sau can thiệp, chỉ số sinh tồn tạm thời ổn định nhưng bệnh nhân vẫn sốc nhiễm khuẩn nặng, cần theo dõi sát.
Số ca cúm nhập viện tăng đột biến, nhiều ca nhập viện
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm gia tăng đột biến. Số ca nhập viện tăng từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12.2024 lên hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần. Hiện có 3 ca nặng phải thở máy.
Theo Bộ Y tế, năm 2024 ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, 8 ca tử vong. Số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), nhưng số ca tử vong tăng 5 trường hợp. Các chuyên gia cảnh báo, người có bệnh nền, cao tuổi, suy giảm miễn dịch cần đặc biệt cẩn trọng.
Hệ thống giám sát của Bộ Y tế ghi nhận cúm mùa bùng phát mạnh tại Nhật Bản. Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cho biết từ 2.9.2024 - 26.1.2025, nước này có khoảng 9,5 triệu ca cúm, riêng tuần cuối năm 2024 hơn 317.000 ca. Tokyo, Hokkaido, Osaka, Fukuoka bị ảnh hưởng nặng nhất. Chủ yếu do cúm A gây ra nhưng nguy cơ bùng phát cúm B vẫn tồn tại.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nhiều quốc gia Bắc bán cầu đang gia tăng ca bệnh hô hấp cấp do cúm mùa, RSV, hMPV, mycoplasma pneumoniae vào cuối năm.
Nguy cơ biến chứng nặng, có thể tử vong
BSCKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - cho biết, Hà Nội đối diện nguy cơ bùng phát cúm mùa, nhất là trong điều kiện dịch bệnh từ nhiều nơi xâm nhập. Cúm mùa từng gây dịch lớn như H5N1, H1N1 và hiện nay đang bùng phát mạnh tại Nhật Bản. Điều kiện thời tiết đông - xuân tạo thuận lợi cho virus phát triển.
Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh, cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus, có triệu chứng phổ biến như đau đầu, sốt, ho, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi. Cúm thường nặng hơn cảm lạnh thông thường, có thể gây viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng toàn thân, đe dọa tính mạng.
Cúm đặc biệt nguy hiểm với bệnh nhân COPD vì virus tấn công trực tiếp vào phổi. Những người có tổn thương phổi trước đó dễ tiến triển nặng hơn. Như bệnh nhân V.V.U, suy hô hấp tăng nhanh chỉ sau 2-3 ngày, buộc phải đặt ống nội khí quản trong thời gian ngắn.
ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cảnh báo, cúm nguy hiểm với người có bệnh nền, cao tuổi, suy giảm miễn dịch. Bệnh có thể gây tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí tử vong.
“Nhiều người nghĩ cúm là bệnh nhẹ nên không khám sớm. Tuy nhiên, với người có bệnh nền, cúm có thể gây biến chứng nặng. Khi nhập viện muộn, bệnh nhân suy đa cơ quan, điều trị rất khó khăn. Phát hiện sớm là yếu tố quyết định” - bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Giám sát dịch bệnh, ngăn ngừa lây lan
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ dịch bệnh, đặc biệt các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, viêm phổi nặng, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Kiểm dịch y tế biên giới, giám sát tại cửa khẩu, cộng đồng và cơ sở y tế được tăng cường nhằm phát hiện, xử lý sớm, hạn chế ca bệnh nặng, tử vong.
Việc phòng ngừa bằng tiêm vaccine cúm, giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong mùa cúm.
Theo laodong.vn