Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Điểu K'ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị, địa phương.
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT làm việc với tỉnh Đắk Nông
Phát biểu chào mừng đoàn công tác Bộ NN&PTNT, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của các doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, quá trình phát triển của Đắk Nông vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung; dân di cư tự do nhiều, kéo theo tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất diễn ra phức tạp.
Bí thư Tỉnh ủy mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ mạnh mẽ của Trung ương, đặc biệt là Bộ NN & PTNT để tỉnh phát huy lợi thế phát triển, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh phát biểu chào mừng Đoàn công tác của Bộ NN &PTNT
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, đến nay, tỉnh đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, ngành hàng tiềm năng với năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản được cải thiện đáng kể.
Tỉnh đã hỗ trợ phát triển, công nhận được 60 sản phẩm OCOP. Hình thành 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 120 ha và công nhận 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.423ha. Tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn với diện tích trên 28 ngàn ha cây trồng các loại. Xây dựng được 15 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và 01 Chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” đối với sản phẩm hồ tiêu của tỉnh.
Toàn tỉnh có 3 liên hiệp hợp tác xã, 203 hợp tác xã nông nghiệp với các lĩnh vực hoạt động đa dạng (trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ sau thu hoạch, thủy lợi)... qua đó hình thành được các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với các HTX. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng khá, giá trị đạt khoảng 800 triệu USD/năm…. Riêng năm 2022, tổng giá trị sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản theo giá hiện hành đạt trên 15.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,64%; tốc độ tăng trưởng đạt 5,21% (cao hơn gấp 2 lần so với kế hoạch toàn quốc); giá trị sản xuất bình quân đạt 90 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có 38/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi xã đạt bình quân 16,5 tiêu chí.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên báo cáo tổng quan về nông nghiệp của tỉnh
Bên cạnh những kết quả đạt được, phần lớn sản phẩm nông sản của tỉnh được tiêu thụ dưới dạng thô, chưa qua chế biến sâu. Đắk Nông chưa kêu gọi được nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư. Vai trò kinh tế tập thể chưa được phát huy, phần lớn HTX hoạt động chưa hiệu quả. Việc liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ còn rất thấp, chủ yếu hình thức liên kết dọc với quy mô nhóm hộ. Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích rất lớn, liên quan đến người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo… nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Đắk Nông kiến nghị Bộ NN&PTNT báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 với diện tích trên 247.000 ha. Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57 ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Kiến nghị Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan ban hành chính sách Quy định chế độ phụ cấp đặc thù với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
Đắk Nông cũng đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào tỉnh để phát huy được tiềm năng, dư địa về nông nghiệp của tỉnh; hỗ trợ, phối hợp tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp năm 2023; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Đắk Nông trong quá trình đề xuất triển khai thực hiện các dự ODA.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười bày tỏ mong muốn nhận thêm sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ NN-PTNT
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật đã giải đáp làm rõ một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh; hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT-Lê Minh Hoan đã có nhiều chia sẻ về việc thay đổi tư duy nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng, Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tư duy của ngành nông nghiệp đang thiên về hướng sản xuất, chủ yếu nhìn vào năng suất, sản lượng. Do đó, giá trị mà nông nghiệp mang lại cho Đắk Nông chưa cao, chưa bền vững.
Lấy ví dụ về người dân Hàn Quốc và người dân các tỉnh, thành phố khác làm du lịch nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ về sự liên quan mạnh mẽ giữa nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, việc phát triển du lịch dựa vào nông nghiệp mang lại những giá trị to lớn, làm thay đổi cả một vùng đất, cả một cộng đồng. Khi và chỉ khi người dân có thay đổi cuộc sống từ những giá trị bền vững, chắc chắn người dân sẽ chung tay vào sự phát triển chung của một vùng, một tỉnh, một quốc gia, dân tộc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT-Lê Minh Hoan đã có nhiều chia sẻ về thay đổi tư duy nông nghiệp
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn và tiếp thu những ý kiến chỉ đạo, định hướng của đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT.
Các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc đã chỉ rõ thực trạng, những điểm nghẽn… giúp cho tỉnh nhận diện rõ hơn những mặt đạt được, những mặt chưa được, những vấn đề mới, mang tính chiến lược, lâu dài cũng như những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trước mắt cần tập trung thực hiện để tỉnh Đắk Nông cũng như ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ngô Lan-Văn Đại