Giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư được phân bổ thực hiện 3 chương trình MTQG ở tỉnh Đắk Nông là trên 2.788 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn phân bổ năm 2022 và 2023 là 1.877 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình MTQG, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc; đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện cả 3 chương trình chưa đạt được như kỳ vọng. Tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt rất thấp so với trung bình chung cả nước. Tính đến ngày 19/9 vừa qua, lũy kế giải ngân trên địa bàn tỉnh là 437,8 tỷ đồng, đạt 23,3%. Trong đó, nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 mới chỉ giải ngân được 361,8 tỷ đồng, đạt 47,8%; nguồn vốn năm 2023 mới chỉ giải ngân được 76 tỷ đồng, đạt 6,8%.
Một trong những vướng mắc chung của cả 3 chương trình, làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân là do phải chờ HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết về danh mục đầu tư giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết phân cấp cho HĐND huyện và phải chờ điều chỉnh Nghị quyết số 58, ngày 14/12/2022 của HĐND tỉnh, điều chỉnh nguồn ngân sách địa phương đối ứng từ ngân sách cấp tỉnh sang ngân sách tỉnh, huyện, xã.
Mặt khác, do thu ngân sách đạt thấp, các huyện, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo tỷ lệ tối thiểu 1:1 so với ngân sách trung ương hỗ trợ.
Cũng liên quan đến tỷ lệ vốn đối ứng, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định, giảm tỷ lệ đối ứng đối với những địa phương còn khó khăn như tỉnh Đắk Nông.
Riêng đối với chương trình giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất… đang gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các địa phương đều không có quỹ đất bố trí cho các đối tượng thụ hưởng.
Để giải quyết các khó khăn liên quan đến việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, UBND tỉnh đề nghị 2 huyện Đắk Glong và Tuy Đức khẩn trương rà soát, thống kê quỹ đất được quy hoạch đất xây dựng, quỹ đất quy hoạch triển khai các dự án ổn định dân di cư tự do… để tổ chức thực hiện triển khai dự án theo đúng quy định. Trường hợp còn thiếu, các địa phương xây dựng quy hoạch mới các điểm dân cư nông thôn để có cơ sở triển khai thực hiện.
Ngoài những khó khăn trên, việc vướng quy hoạch bô xít, quy hoạch 03 loại rừng, quy hoạch đề án nông thôn mới… cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn 3 chương trình MTQG.
Hiện nay, cùng với việc tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành trung ương cho cơ chế đặc thù triển khai những công trình, dự án của các chương trình MTQG nằm trên quy hoạch bô xít và ba loại rừng, UBND tỉnh đề nghị 2 huyện Tuy Đức và Đắk Glong đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình không vướng quy hoạch.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và tranh thủ thời tiết nắng ráo, các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân và thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn.
Xác định, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân, tỉnh Đắk Nông đang tập trung khắc phục khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao năm 2022 và 90% kế hoạch vốn được giao năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ./.
Ngô Lan-Văn Chinh