Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; Sở Y tế và các Sở, ngành, đơn vị liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, một số bệnh truyền nhiễm có chiều hướng tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát và được triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả. UBND tỉnh và ngành Y tế luôn quan tâm đến công tác cải tiến chất lượng bệnh viện và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, triển khai có hiệu quả lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT, người dân được tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Thông qua Chương trình hợp tác phát triển Y tế giữa Sở Y tế tỉnh Đắk Nông và Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, Đề án Bệnh viện vệ tinh… các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều gói dịch vụ kỹ thuật mới.
UBND tỉnh giao 06 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong lĩnh vực y tế cho ngành Y tế, đến nay, các chỉ tiêu đang thực hiện theo lộ trình. Trong đó, có 02 chỉ tiêu khả năng đạt là giường bệnh/vạn dân (giao 20,6, kết quả 20,6) và chỉ tiêu về tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi (giao 26,4%, kết quả công bố năm 2023 là 25,7%).
Các chỉ tiêu chưa đạt gồm: bác sĩ/vạn dân; chỉ tiêu mức sinh trung bình giao 2,37, kết quả 2,41 (còn cao hơn chỉ tiêu giao 0,04); chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia BHYT giao 93,75%, kết quả đến hết tháng 5 năm 2024 đạt 82,61%; chỉ tiêu về tiêm chủng mở rộng cho trẻ em 95%, kết quả 6 tháng đầu năm chỉ đạt 26,4%.
UBND tỉnh và ngành Y tế tỉnh đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác đấu thầu, cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, công tác tự chủ, thiếu bác sĩ có trình độ cao...
Việc cắt giảm biên chế thời gian qua cũng gây nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, không đảm bảo để đạt số bác sĩ trên vạn dân theo chỉ tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 8,9 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025.
Công suất sử dụng giường bệnh, tình trạng chuyển tuyến vẫn còn là nỗi trăn trở của ngành Y tế tỉnh hiện nay.
Tại một số cơ sở Y tế, chính sách thu hút chưa đủ mạnh để giữ chân được các bác sĩ sau khi đi đào tạo về công tác tại địa phương. Nhiều cơ sở y tế trang thiết bị được đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng, việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn.
Để tháo gỡ các khó khăn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo các Bệnh viện tuyến trên hỗ trợ Bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập các đơn vị chuyên sâu như: Trung tâm Đột quỵ, Trung tâm huyết học truyền máu; phát triển các kỹ thuật chuyên môn về y học cổ truyền và phục hồi chức năng.
Một số ý kiến đề nghị Bộ Y tế và tỉnh quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm khơi gợi sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ; hỗ trợ phát triển các lĩnh vực chuyên môn mũi nhọn; kịp thời cung ứng vắc xin theo nhu cầu của địa phương.
Tỉnh Đắk Nông cũng kiến nghị Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ hỗ trợ về công tác nghiên cứu và phát triển ngành Dược liệu từ các cây thuốc trên địa bàn tỉnh; quan tâm kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho tỉnh phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở…
Phát biểu tại buổi làm, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thuận lợi trong thực hiện công tác y tế trên địa bàn tỉnh đó là sự quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và ngành Y tế.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được đầu tư nâng cấp; Dự án Bệnh viện Xuyên Á ở huyện Cư Jut đã khởi công và nhiều dự án khác đang triển khai sẽ tạo nên những khởi sắc, hướng phát triển cho ngành Y tế.
Tuy nhiên, với nhiều khó khăn hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đề nghị Bộ Y tế có những cơ chế, chính sách trong ưu tiên phát triển y tế cho các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với ngành Y tế tỉnh và mong tỉnh tiếp tục quan tâm, củng cố, nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y tế; tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư cho y tế. Liên quan đến vắc xin, tỷ lệ sinh, tỷ lệ tham gia BHYT… Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương có những ý kiến cụ thể.
Để phát triển ngành Dược liệu, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cục Quản lý y dược cổ truyền, Viện Dược liệu làm việc với tỉnh; nghiên cứu, xác định vùng và hướng dẫn hỗ trợ tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện.
Các đề xuất của tỉnh về thành lập các trung tâm đột quỵ, thành lập Bệnh viện y học cổ truyền, phục hồi chức năng, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần thực hiện theo lộ trình, khi đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực thì mới phát triển lên thành trung tâm.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện không đủ điều kiện để thành lập Trung tâm huyết học truyền máu ở Đắk Nông do đó Thứ trưởng đề nghị Viện huyết học tham mưu lại phân vùng, khu vực, linh hoạt chuyển Đắk Nông vào vùng Đông Nam Bộ để tiếp ứng huyết tương cho công tác cứu, chữa bệnh nhân của Đắk Nông kịp thời trong những trường hợp khẩn.
Ngô Lan-K’muôi