Tham dự lễ có các đồng chí: Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy,Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; cùng đông đảo cán bộ và nhân dân xã Quảng Trực.
Sự kiện đón bằng công nhận cây di sản Việt Nam “Quần thể 36 cây bằng lăng và 1 cây đa cổ thụ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen thực vật, bảo vệ môi trường và mở ra hướng mới trong phát triển du lịch sinh thái của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh, việc Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đánh giá khảo sát, thiết lập hồ sơ đề nghị công nhận 36 cây bằng lăng và 1 cây đa cổ thụ vào danh mục cây di sản Việt Nam không chỉ là niềm tự hào của Công ty nói riêng mà còn của cả nhân dân địa phương nói chung, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ những giá trị, phong phú, đa dạng của thiên nhiên, đồng thời đây cũng là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư về phát triển kinh tế du lịch sinh thái của tỉnh trong thời gian tới.
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy hết những giá trị của cây di sản mang lại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên đề nghị Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng trên toàn bộ lâm phần công ty quản lý, hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng, chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép.
Sớm hoàn thiện công tác bổ sung diện tích rừng trong lâm phần Công ty quản lý đưa vào quy hoạch du lịch sinh thái của tỉnh. Đưa ra những định hướng phát triển cây di sản nhằm phục vụ du lịch sinh thái; kêu gọi các nhà đầu tư phát triển kinh tế du lịch sinh thái để nơi đây trở thành một điểm đến đầy thú vị và hấp dẫn.
Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên hiện đang quản lý 27 ngàn ha, trong đó diện tích có rừng trên 23 ngàn ha là loại rừng thường xanh nhiệt đới được quy hoạch rừng sản xuất nằm trong khu vực giáp ranh với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ.
Theo kết quả khảo sát và nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành, rừng ở đây có hệ thống thực vật phong phú và có tính đa dạng sinh học cao. Hệ thực vật có 4 ngành với tổng số 792 loài, thuộc 419 chi và 146 họ, trong đó có 138 loài thực vật quý hiếm như: cẩm lai, cà te, hương đá, kim giao, bách tùng, trầm hương…
Về động vật có khoảng 54 loài quý hiếm, trong đó có 21 loài thú, 21 loài chim, 12 loài bò sát. Về côn trùng có khoảng 184 loài, trong đó có loài có tên trong sách đỏ Việt nam.
Ngày 20/5/2022, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xét và chính thức công nhận 36 cá thể thuộc quần thể bằng lăng có tuổi đời từ 150 đến 600 năm và 1 cây đa có tuổi đời 300 năm là cây di sản Việt nam.
Ngô Lan-Văn Chinh