Thấy trồng chanh dây cho thu nhập khá, tháng 7 năm 2021, bà Nhữ Thị Hiền xuống giống gần 1ha. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chanh dây phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh. Từ khi trồng đến nay, bà Hiền đã thu hoạch được hơn 50 tấn, giá bán từ 12 -15 ngàn đồng/kg, thu nhập rất ổn định.
Để phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Đắc Thức cũng trồng 7 sào chanh dây. Hiện nay, mỗi ngày ông thu hoạch được 2 đến 3 tạ quả, bán xô với giá 12 ngàn đồng/kg, cho lãi ổn đinh. Để chanh dây phát triển tốt, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Thức dùng phân chuồng, phân vi sinh bón cho cây trồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa đã thu mua được 2.500 tấn quả chanh dây tươi, với giá từ 10 đến 15 ngàn đồng /kg. Công ty cũng đã xuất khẩu được 840 tấn dịch chanh dây sang Trung Quốc. Để cây chanh dây phát triển bền vững, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, Công ty Nghiệp Xuân khuyến cáo người dân cần phải đẩy mạnh liên kết sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch; đồng thời tham gia vào Tổ hợp tác, Hợp tác xã, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Sau gần 6 năm nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường, chanh leo của Việt Nam đã được thí điểm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 7 năm nay.
Chanh leo là loại trái cây thứ 10 của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, cùng với các loại: thanh long, dưa hấu, vải thiều, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Cả nước hiện có 46 tỉnh, thành phố trồng chanh leo với diện tích hơn 6.000ha, sản lượng đạt hơn 111.000 tấn. Dự báo giai đoạn 2025-2030, diện tích trồng chanh leo có thể tăng lên 15.000ha với sản lượng ước tính 300.000 - 400.000 tấn tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên.
Theo định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 2.000 – 3.000 ha để phục vụ chế biến, chế biến sâu. Do đó, việc định hướng, quy hoạch, có quy trình sản xuất hiệu quả cần phải được thực hiện, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.
Tuấn Bình – Minh Tiền