UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến học sinh tác hại của việc bỏ học tham gia lao động trái pháp luật, theo dõi nắm bắt tinh thần các em học tập sa sút có nguy cơ bỏ học để kịp thời hỗ trợ các em; tăng cường các hoạt động giáo dục, hướng nghiệp, tư vấn thị trường lao động, đánh giá năng lực bản thân lựa chọn nghề phù hợp.
UBND tỉnh đề nghị Sở LĐTB -XH đẩy mạnh thực hiện các giải pháp liên ngành hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình, chính sách giảm nghèo, tăng cường thanh tra, giám sát chấp hành các qui định pháp luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bỏ học lao động trái quy định.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn chủ động nắm bắt tình hình, có giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vận động, lôi kéo học sinh bỏ học để tham gia lao động trái quy định pháp luật.
UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về các chính sách, pháp luật liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em và lao động trẻ em; cảnh giác với những đối tượng môi giới lừa đảo, dụ dỗ học sinh bỏ học tham gia lao động trái quy định pháp luật.
Ảnh minh họa
Trước đó, tại trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, xã Đắk Ngo, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có 6 học sinh bị "người lạ" lôi kéo, dụ dỗ bỏ học xuống TP.HCM làm công nhân may. Sau khi phát hiện các trường hợp học sinh bỗng dưng bỏ học, thầy cô giáo chủ nhiệm đã chủ động liên hệ với phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân. Phụ huynh học sinh cho hay, con họ bị 'người lạ' rủ xuống TP.HCM làm công nhân may, hứa hẹn mức đãi ngộ hấp dẫn nên các em nghỉ học để đi làm. Hiện các em học sinh đã nghỉ việc ở TP.HCM, quay trở lại lớp học/.
Lệ Quyên