Đánh giá tại hội nghị cho thấy, trong 9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt được những kết quả khả quan.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 14.203 tỷ đồng, tăng 5,71%, đứng thứ 2 khu vực Tây nguyên (sau tỉnh Kon Tum).
So với cùng kỳ năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,27%; tổng lượt khách du lịch tăng 40,8%. Tỷ lệ tham gia BHYT của người dân đạt 92,82%, vượt kế hoạch. Toàn tỉnh đã công nhận mới 11 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 100% kế hoạch.
Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt thấp. Đối với chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước, 9 tháng đầu năm mới chỉ thực hiện được 2.167 tỷ đồng, đạt 59% dự toán địa phương giao, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Các ý kiến cho rằng, thu ngân sách đạt thấp do hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành chủ lực chưa có sự đột phá, thị trường bất động sản chậm phục hồi. Ngoài ra, do những bất cập, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển đô thị chưa được tháo gỡ nên thu tiền sử dụng đất ở các địa phương đạt thấp.
Thời gian qua, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội... đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả đạt được rất thấp.
Một số dự án nằm trong Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít và một số dự án trọng điểm đang thiếu nguồn đất đắp… mặc dù đã được các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ, xem xét giải quyết nhưng vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng, gây khó khăn cho việc hoàn thành nhiệm vụ đầu tư công.
Tính đến ngày 13/9/2023, toàn tỉnh mới giải ngân được 1.351,6 tỷ đồng, đạt 34,6%.
Trong 9 tháng qua, Đắk Nông không thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư ngoài ngân sách còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và hoàn thiện hồ sơ pháp lý, xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan vẫn còn chậm.
Trong quý III, tình trạng mưa lũ kéo dài, nhiều công trình thuỷ lợi, đường, nhà cửa sụt lún, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đề nghị các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai Đề án Chuyển đổi số. Quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và 03 chương trình mục tiêu quốc gia, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Trước những bất cập, vướng mắc liên quan công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị được phản ánh tại hội nghị, trong tuần tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp để tháo gỡ, giải quyết đến kết quả cuối cùng.
Đồng chí Hồ Văn Mười cũng đề nghị triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách, đặc biệt là trong một số lĩnh vực nhạy cảm, có rủi ro cao về thuế.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án đường cao Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp về tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương tính toán, có phương án hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống.
Ngành Y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu vật tư y tế, sinh phẩm. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Ngô Lan-Văn Chinh