Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng kế hoạch vốn đầu công năm 2023 tại Đắk Nông là 3.980,8 tỷ đồng, trong đó: kế hoạch vốn giao năm 2023 là 3.590,1 tỷ đồng; kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 390,7 tỷ đồng nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tính đến ngày 31/10, giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2023 được 1.637,7 tỷ đồng, đạt 41,1% vốn tỉnh giao, đạt 51,1% so với vốn Thủ Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã giải ngân được 73,7 tỷ đồng/254,9 tỷ đồng, đạt 28,9%.
Các dự án Nguồn dự phòng ngân sách Trung ương giải ngân được 0,5 tỷ đồng/65 tỷ đồng, đạt 0,7%.
Một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 70% như: huyện Đắk Mil, TP.Gia Nghĩa, Sở NN và PTNT, Sở Y tế, Trường Cao đẳng cộng đồng, Đoàn Thanh niện cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh…
Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Có những dự án vướng về công tác giải phóng mặt bằng; có những dự án nằm trong Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít; nhiều dự án chưa xác định được nguồn vật liệu đất đắp phục vụ cho công trình.
Ngoài ra, một số dự án chưa có nguồn để nhập Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân Sách và Kho bạc. Cụ thể, kế hoạch vốn được giao năm 2023 với nguồn thu sử dụng đất và nguồn xổ số kiến thiết là 211 tỷ đồng, tuy nhiên đến ngày 30/10 chỉ nhập tabmis được 62,6 tỷ đồng, tương đương 29,4%.
Sở Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu trình UBND tỉnh cắt giảm điều chuyển 148 tỷ đồng từ những dự án chậm tiến độ sang những dự án có nhu cầu, có tỷ lệ giải ngân tốt.
Hội nghị cũng đã nghe các sở, ban ngành, các huyện, thành phố báo cáo về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, khó khăn mà nhiều địa phương đang gặp phải là vốn đối ứng. Đến nay, bố trí vốn đối ứng mới chỉ đạt 73,2%; theo kế hoạch thì các địa phương bố trí đối ứng còn thiếu khoảng 76 tỷ đồng.
Việc bố trí vốn đối ứng chậm và chưa đủ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn so với kế hoạch giao.
Đối với chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên các Bộ, ngành trung ương ban hành chậm hoặc ban hành chưa đầy đủ các văn bản quy định, hướng dẫn, do đó một số dự án chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Đến nay, vốn phân bổ thực hiện năm 2022, 2023 mới chỉ giải ngân được 20,3%; ước đến hết năm 2023 giải ngân đạt 62%.
Hội nghị cũng đã tập trung đánh giá về thu tiền sử dụng đất, những hạn chế, vướng mắc và hướng tháo gỡ. Tính đến đầu tháng 11, thu tiền sử dụng đất toàn tỉnh mới chỉ thực hiện được 268 tỷ đồng, đạt 49% dự toán Trung ương, 31% dự toán địa phương, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương phối hợp, chia sẻ, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến cuối năm 2023 giải ngân đạt trên 80%; tổng hợp toàn bộ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết để UBND tỉnh cáo với Trung ương.
Chủ tịch UBND yêu cầu UBND các huyện, thành phố phối hợp với các chủ đầu tư tăng cường tổ chức tuyên truyền, đối thoại, vận động người dân nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các dự án, đảm bảo bàn giao mặt bằng theo tiến độ, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính.
Ngô Lan-Văn Chinh