Các đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Y Quang BKrông, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự.
Theo hồ sơ xếp hạng di tích, năm 1939, nhằm mục đích di chuyển, xâm lược mở rộng lãnh thổ lên Tây Nguyên, thực dân Pháp đã xây dựng cầu 14 bắc qua sông Sêrêpôk. Từ năm 1954 -1975, quân dân ta đã có nhiều đợt đánh phá vào khu vực Chốt Cầu 14 với các trận đánh có ý nghĩa chiến lược nhằm ngăn chặn, cản trở đường hành quân cơ giới, chi viện từ Đức Lập, Quảng Đức về Buôn Ma Thuột và ngược lại; chia cắt tuyến đường huyết mạch nối Tây Nguyên với Sài Gòn.
Trải qua thời gian, tác động của khí hậu và chiến tranh, Cầu 14 (cũ) đã bị hư hỏng và không đưa vào sử dụng cho nhu cầu đi lại và vận chuyển, nhưng Cầu 14 (cũ) cơ bản vẫn còn nguyên vẹn, là điểm gắn liền với sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, là điểm đến di sản hấp dẫn trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Ngày nay, Di tích lịch sử khu vực Cầu 14 là địa danh có ý nghĩa lịch sử quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tri ân công lao to lớn của các bậc cha anh đã không tiếc máu xương vì độc lập của dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh chúc mừng và đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Cư Jút, cùng với các ngành có liên quan triển khai các nhiệm vụ để bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử khu vực cầu 14 trong thời gian tới.
Chú trọng tổ chức tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức cộng đồng để phát huy các giá trị của di tích; đưa điểm di tích vào các tuyến, điểm tham quan của địa phương, thường xuyên tổ chức cho thanh niên, học sinh và Nhân dân đến ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc.
Các ngành chức năng, địa phương tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung thêm tư liệu và phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức xây dựng hồ sơ, nâng tầm thành di tích cấp quốc gia, xứng tầm với giá trị lịch sử của cầu 14.
Tùng Nhi