Đoạn đường xảy ra sạt lở, sụt lún hai bên đường có độ dốc tương đối lớn và là một trong các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên đường Hồ Chí Minh. Hai vị trí sạt lở, sụt lún đều có hiện tượng san lấp mặt bằng với khối lượng lớn từ 3 - 5 năm trước.
Theo UBND xã Quảng Tín, từ ngày 8 - 16/9, trên địa bàn xã đã phát hiện 2 điểm sụt lún, sạt lở ven đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) đoạn qua dốc ông Bồ. Điểm sạt lở thứ nhất kéo dài từ Cửa hàng kinh doanh xăng dầu Trung Dũng 1 đến quán cà phê Phin (thuộc Km1936, bên trái tuyến theo hướng lưu thông từ Đắk Nông sang Bình Phước). Điểm sạt lở thứ hai cách điểm thứ nhất khoảng 300 m, nằm bên phải tuyến.
Tình trạng sạt lở đã khiến một cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải tháo dỡ, sửa chữa một phần; một quán cà phê phải đóng cửa, di dời; đất đai ven đường của 15 hộ dân (không có nhà) bị ảnh hưởng.
“UBND xã Quảng Tín đã động viên, vận động các hộ dân trong khu vực sạt lở, sụt lún và khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún di dời vật dụng và di chuyển chỗ ở để đảm bảo an toàn. Chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu có hiện tượng sụt lún, sạt lở một phần cũng đã tháo dỡ các hạng mục bị ảnh hưởng và giảm lượng xăng, dầu trong bồn chứa để đảm bảo an toàn. UBND xã cũng đã giăng dây phong tỏa và cắm các biến, bảng cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở cao”, ông Nguyễn Trung Sang thông tin thêm.
Cũng theo UBND xã Quảng Tín, nguyên nhân ban đầu xảy ra sụt lún, sạt lở được xác định là do tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, nổi bật là tình trạng san lấp mặt bằng với khối lượng lớn cộng với điều kiện địa hình đồi, dốc và lượng mưa lớn. Bên cạnh đó, theo một số hộ dân, việc lắp gờ giảm tốc trên mặt đường hơn 1 năm nay đã tạo độ rung lắc mạnh, nhất khi các xe tải nặng di chuyển và khiến các khối đất áp sát ta luy được bị sụt, trượt.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông, ngay sau khi nhận được thông tin về tình trạng sụt lún, sạt lở, đơn vị đã phối hợp, chỉ đạo Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông, đơn vị quản lý tuyến đường triển khai ngay việc giảm tải các khối đất san lấp mặt bằng nhằm giảm tải cho ta luy đường. Ngành chức năng cũng đã thống nhất thay thế các biển bảng hạn chế tốc độ qua đoạn đường này (tốc độ tối đa cho các xe tải trên 3,5 tấn; xe khách trên 29 chỗ là 40 km/giờ thay cho 50 km/giờ trước đó). Đồng thời chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến đường tăng cường theo dõi, báo cáo kịp thời các diễn biến mới của sạt lở, sụt lún.
Năm 2023, một đoạn đường Hồ Chí Minh qua thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã bị sụt lún, sạt lở nặng và 2/4 làn đường đã bị chia cắt, không thể lưu thông. Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông sau đó đã công bố nguyên nhân sạt lở và khối đất san nền của khu dân cư chưa có giấy phép xây dựng (nằm tiếp giáp với đoạn đường bị sụt lún bên mái taluy âm) được xem là một trong các nguyên nhân chính gây ra sụt lún, sạt trượt mặt đường.
TTXVN