Những ngày qua, mỗi ngày, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đắk Song tiếp nhận từ 300-350 lượt người dân đến khám, chữa bệnh. Ngoài những bệnh cảm cúm thông thường do thời tiết giao mùa, số bệnh nhân sốt xuất huyết chiếm khá cao, trong đó phần lớn là trẻ em.
Nhiều trẻ em nhập viện do sốt xuất huyết
Chị Phạm Thị Tâm có con là cháu Trần Khánh Ly, 9 tuổi, bị sốt xuất huyết đang điều trị tại TTYT huyện. Vài ngày trước, khi thấy con của mình có các dấu hiệu nóng sốt, chị Tâm đã đưa bé đi khám thì phát hiện bị sốt xuất huyết, phải nhập viện điều trị. Sau hơn 5 ngày điều trị, con gái của chị vẫn còn rất mệt mỏi.
Bé Trần Khánh Ly đã nhập viện điều trị 5 ngày do sốt xuất huyết
Đến thời điểm hiện tại, huyện Đắk Song có 7 ổ dịch sốt xuất huyết, tập trung nhiều nhất ở các xã Nâm N'Jang, Trường Xuân; chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Một số trường hợp sốt xuất huyết kèm theo bệnh viêm hô hấp hoặc tiêu chảy nhưng chưa có trường hợp nào chuyển nặng. Nguyên nhân là do khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, phụ huynh không đưa con đến cơ sở y tế khám kịp thời, đến khi trở nặng thì mới đưa con nhập viện.
Từ đầu năm đến nay, TTYT huyện Đắk Song đã ghi nhận gần 300 trường hợp sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gần 6 lần.
Huyện Đắk Song hiện có 7 ổ dịch sốt xuất huyết, tập trung nhiều nhất ở các xã Nâm N'Jang, Trường Xuân
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng ngừa muỗi đốt. Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khoẻ, nhất là đối với trẻ em và người lớn tuổi.
T/h: Minh Trí, Thế Anh