Gia đình anh Nguyễn Nin, xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp hiện đang trồng 3 sào chanh dây. Đây là năm thứ 2 anh Nin trồng chanh dây để lấy ngắn nuôi dài trong bối cảnh giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh.
Theo anh Nin, chanh dây là cây trồng rất nhiều dịch bệnh. Vì vậy, để vườn chanh dây phát triển, đạt năng suất, anh luôn tuân thủ các quy trình chăm sóc từ việc tưới tiêu, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh. Anh còn lắp đặt hệ thống tưới nước trực tiếp vào gốc, vừa tiết kiệm nước vừa tiết kiệm công chăm sóc.
Anh Nguyễn Nin, xã Kiến Thành cho hay: “Để lấy ngắn nuôi dài, tôi tận dụng những diện tích còn trống của cây hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái khi những cây này còn nhỏ để trồng xen vào. Trồng chanh dây có thu nhập quanh năm, chứ trồng mỗi cây công nghiệp dài ngày chỉ thu được mỗi năm một vụ”.
Từ đầu năm đến nay, giá chanh dây ổn định ở mức 15-16 ngàn đồng/kg. Chính vì thế, nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tận dụng tối đa những diện tích tái canh cà phê để trồng xen canh.
Ngoài ra, những diện tích không còn phù hợp với cây hồ tiêu cũng được người dân chuyển sang trồng chanh dây. Cây chanh dây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên cho năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha. Thời điểm hiện tại, so với một số loại cây trồng khác, chanh dây đang cho thu nhập ở mức cao.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp chế biến chanh dây xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nông dân từ cung cấp giống đến hướng dẫn kỹ thuật trồng chanh dây hữu cơ và thu mua để xuất khẩu. Đặc biệt, từ tháng 7-2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng thị trường xuất khẩu quả chanh dây đến các nước Trung Đông, châu Á, đây là cơ hội lớn cho sản xuất chanh dây của tỉnh.
Vì vậy, người trồng chanh dây có nhiều thuận lợi để phát triển. Để tránh tình trạng “chặt trồng, trồng chặt” nông dân cần tìm hiểu cặn kẽ trước khi đầu tư, cần tuân thủ quy trình chọn giống và trồng theo hướng hữu cơ là rất cần thiết…
Chị Trương Thị Huệ, Công ty Cổ phần đầu tư Long Huệ, huyện Tuy Đức cho biết: “Tôi là doanh nghiệp xuất khẩu, tôi mong muốn bà con trồng chanh dây theo hướng sạch để đảm bảo đủ tiêu chuẩn được xuất khẩu sang thị trường: Trung Đông, Châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia. Năm 2023, định hướng của chúng tôi là liên kết giữa công ty với bên xuất khẩu và bà con nông dân tạo ra những vùng hàng sạch, đủ tiêu chuẩn, không thuốc BVTV để xuất khẩu sang nước bạn”.
Phan Đông-K’Muôi