Toàn cảnh hội nghị
Qua thực tế gần 12 năm tổ chức thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người được tiến hành đồng bộ; việc phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ được triển khai quyết liệt; công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người đạt được nhiều kết quả tích cực; bảo đảm vấn đề tiếp nhận, xác minh và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế được tăng cường với nhiều hoạt động song phương, đa phương, trên nhiều diễn đàn trên thế giới và khu vực.
Tuy nhiên, trong tình hình mới, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung.
Đại diện Công an tỉnh góp ý vào Dự thảo Luật
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung trực tiếp vào các chương, điều khoản và nêu rõ quan điểm, sự cần thiết về việc cần sửa đổi, bổ sung đối với Dự thảo luật.
Đại biểu cho rằng thực tế hiện nay triển khai Luật phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang gặp một số khó khăn nhất định như: kinh phí hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ; xác định đối tượng là nạn nhân hay là người vi phạm; công tác phối hợp.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị sửa đổi, làm rõ một số nội dung quan trọng như: quy định các hành vi bị nghiêm cấm; chính sách Nhà nước; quản lý an ninh, trật tự; quản lý hoạt động xuất nhập cảnh; tiếp nhận và xác minh nạn nhân.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý
Hội nghị đã ghi nhận 11 ý kiến góp ý của đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận, tổng hợp ý kiến, kiến nghị tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV xem xét để hoàn thiện dự thảo./.
Bảo Ngọc – Văn Chinh