Không có biển hiệu, không có người trông quán, không hề có camera theo dõi, chỉ vỏn vẹn tầm 20 mét vuông nhưng quán bán hàng lại thể hiện tính trung thực, tự giác của khách hàng. Giá bán mỗi loại nông sản được ghi sẵn, người mua tự cân và cũng tự bỏ tiền vào thùng để sẵn. Các loại nông sản cũng được bán theo mùa như gừng, khoai lang, nghệ, bí đỏ. Lúc đầu, người mua còn hơi bỡ ngỡ nhưng dần dần, mọi người đã quen với cách tự cân và tự trả tiền vào thùng.
Khách mua hàng tự chọn
Khách tự cân lượng hàng mình muốn mua
Ý tưởng bán hàng không người trông là của chị Trà Thị Nhiều, thôn 7, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song. Theo tâm sự của chị Nhiều thì đây là cách bán hàng mà chị học được qua một câu chuyện của người Nhật, thể hiện tính tự giác và lòng tự trọng. Để bán được giá ở mức thấp nhất cho bà con, chị Nhiều liên hệ một số vườn để được mua nông sản với giá gốc. Chị Nhiều chia sẻ, với các loại giá bán chỉ từ 7 đến 10 ngàn đồng/kg thì không ai không trả tiền mà sẵn sàng để tiền vào thùng.
Tự giác tính tiền bỏ vào thùng
Chị Trà Thị Nhiều chia sẻ với phóng viên PTD về ý tưởng bán quán không người trông
Cứ cuối ngày, chị Nhiều lại mở thùng tiền một lần. Hơn 1 năm duy trì với giá bán rẻ gần ngang với giá vườn, trung bình mỗi tháng, chị Nhiều bán được vài tấn nông sản các loại. Mặc dù bán hàng kiểu không người trông, với những mặt hàng giá trị nhỏ nhưng chị Nhiều vẫn có thêm một khoản thu nhập nhất định và hơn hết là mô hình bán hàng này đã trở thành hình ảnh của lòng tin, tinh thần tôn trọng lẫn nhau và gắn kết tình làng nghĩa xóm.
T/h: Bảo Ngọc – Văn Thắng