Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, lúc 7h36'52'' (giờ Hà Nội) ngày 23/9, một trận động đất có độ lớn 3,3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.926 độ vĩ Bắc, 104.765 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), một trận động đất có độ lớn 3,7 xảy ra lúc 7h54'54''2024 tại vị trí có tọa độ (14.866 độ vĩ Bắc, 108.264 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất kiến tạo gây ra bởi đới đứt gãy tự nhiên (một hiện tượng địa chất liên quan tới các quá trình kiến tạo trong vỏ Trái Đất. Thông thường đứt gãy thường xảy ra tại nơi có điều kiện địa chất không ổn định.
Khu vực huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) nằm trên đới đứt gãy sông Đà đang hoạt động địa chất diễn ra tương đối mạnh, nên vẫn thường xuyên xảy ra động đất. Khu vực này được dự báo là vùng có nguy cơ xảy ra động đất và có thể xảy ra động đất mạnh hơn.
Động đất ở Mộc Châu (Sơn La) khác với loại động đất kích thích xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Động đất kích thích xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Ngày nay, thang đo độ lớn mô-men được dùng làm tiêu chuẩn để đo lường các trận động đất. Động đất được phân thành các loại: Vi động đất (M<2,0), động đất yếu (2,0≤M≤3,9), động đất nhẹ (4,0≤M≤4,9), động đất trung bình (5,0≤M≤5,9), động đất mạnh (6,0≤M≤6,9), động đất rất mạnh (7,0≤M≤7,9) và động đất hủy diệt (M≥8,0).
Theo baochinhphu.vn