Gia đình anh Lương Văn Thảo, ở thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) canh tác gần 3ha cà phê. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 10 tấn nhân, ngay sau khi kết thúc mùa vụ, anh Thảo đã bán hầu hết số cà phê của gia đình với mức giá từ 60 -70 triệu đồng/tấn.
Vì vậy, khi chứng kiến giá cà phê tăng cao kỷ lục vào giữa vụ, gia đình anh rất tiếc, nhưng cũng không còn hàng dự trữ để bán.
Việc giá cà phê tăng cao đột biến nằm ngoài dự đoán của nông dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo một số nông hộ, hầu hết nông dân đều bán hết hoặc phần lớn cà phê nhân ngay sau mùa vụ thu hoạch. Vì vậy, khi giá đạt “đỉnh”, họ không còn cà phê dự trữ để bán hoặc còn rất ít. Do đó, lợi nhuận đạt được từ việc giá cà phê tang không nhiều.
Việc giá cà phê tăng cao lúc này chỉ có tác dụng giúp nhà nông thêm động lực chăm sóc cà phê cho mùa vụ tới, với hi vọng giá cà phê sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất cà phê, việc giá cà phê nhân tăng cao khiến họ gặp nhiều bất lợi bởi chi phí cho nguyên liệu đầu vào quá cao.
Mỗi năm HTX Nông nghiệp, Dịch vụ, Thương mại Tân Phú Nông, tại xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa cần khoảng 600 tấn nguyên liệu cho hoạt động sơ chế và chế biến cà phê chất lượng cao. Tuy nhiên, năm nay khi giá nguyên liệu tăng quá cao, HTX buộc phải ngừng hoạt động trong lĩnh vực này. Bởi với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao gấp đôi, trong khi giá bán ra tăng không đáng kể, doanh nghiệp không thể có lợi nhuận từ hoạt động sơ chế và chế biến cà phê chất lượng cao.
Mặt khác, hiện tại, cà phê nhân trong dân và các đại lý thu mua nông sản cũng “cạn kiệt”, chỉ còn tập trung ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính. Do đó, nhiều nông dân và doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chỉ còn cách mong chờ cà phê giữ giá để họ thực sự được hưởng lợi khi thu hoạch cà phê mùa vụ 2024.
Hải Thanh – Minh Tiền