Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính Hội trường UBND tỉnh với điểm cầu tại UBND các huyện, thành phố và tại UBND các xã, phường, thị trấn.
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình giải ngân vốn 3 chương trình MTQG, những thuận lợi, khó khăn và đề xuất hướng tháo gỡ.
Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, vốn chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2022, 2023 đã giải ngân được trên 394,4 tỷ đồng, đạt 71,4%. Nhờ nguồn vốn trên, việc xây dựng NTM đạt nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, toàn tỉnh có 36/60 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã NTM nâng cao.
Có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM và 4 xã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao, đang hoàn thiện hồ sơ trình tổ chức thẩm định trong quý I/2024.
Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, một số địa phương chưa quyết liệt trong việc tổ chức triển khai các nội dung của chương trình, còn chần chừ, sợ sai làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân; các xã chưa đạt còn lại là những xã khó khăn...
Năm 2024, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu tăng thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; số tiêu chí xã NTM bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã trở lên...
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 15/2/2024, giải ngân vốn thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022 và 2023 là 304,7 tỷ đồng, đạt 55,7%.
Việc triển khai chương trình đã góp phần thực hiện được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Tuy nhiên, việc triển khai một số dự án, tiểu dự án, hoạt động thuộc chương trình còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB &XH Hoàng Viết Nam cho rằng, trong quá trình thực hiện, các huyện, thành phố cần kiểm tra, giám sát công trình, dự án do đơn vị mình chủ trì. Các địa phương quyết liệt hơn nữa trong quá trình thực hiện. Bởi vì, nguồn kinh phí của năm 2023 chuyển sang và cả năm 2024 rất lớn. Nếu không quyết liệt sẽ không hoàn thành.
Đối với nguồn vốn chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 và 2023, đến nay giải ngân được trên 347,6 tỷ đồng, đạt 45,25%.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, kết quả giải ngân đạt thấp do những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, quy định của một số Bộ, ngành Trung ương chưa được ban hành và hướng dẫn; nhiều huyện đang còn thiếu các quy hoạch nên việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư gặp khó khăn.
Đối với vốn đầu tư công năm 2023, đã giải ngân được 2.126,7 tỷ đồng, đạt 75,8%. Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nêu chi tiết một số dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2023, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất hình thức xử lý.
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được phân bổ là gần 2.392 tỷ đồng (không bao gồm 558 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương thực hiện 3 chương trình MTQG). Đến cuối tháng 2 vừa qua đã giải ngân được gần 175,4 tỷ đồng, đạt 7,33% kế hoạch.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, giải các nguồn vốn đạt thấp là do thiếu sự quyết tâm, quyết liệt của một số sở, ngành, địa phương; việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chưa chặt chẽ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đề nghị các sở, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với dân, bằng nhiều giải pháp phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thực hiện các công trình, dự án trên tinh thần khó đến đâu tháo gỡ ngay đến đó.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở: Nông nghiệp và PTNT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tăng cường kiểm tra, giám sát; chủ động hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Đối với nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 31/1/2024, giải ngân vốn các chương trình MTQG năm 2023 trên địa bàn tỉnh (bao gồm vốn năm 2022 kéo dài thực hiện năm 2023) là 1.036 tỷ 342 triệu đồng, đạt 55,5%.
Nguồn vốn năm 2022 và 2023 chưa giải ngân hết trong năm 2023 được tiếp tục kéo dài thực hiện trong năm 2024 theo quy định tại Nghị quyết số 104 ngày 10/11/2023 và Nghị quyết số 108 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.
Tổng nguồn vốn thực hiện 3 chương trình MTQG trong năm 2024 khoảng 1.966 tỷ đồng.
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 380 ngày 17/1/2024, phấn đấu giải ngân vốn các chương trình MTQG năm 2024 phải đạt trên 95% kế hoạch được giao.
Ngô Lan-Văn Chinh