Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 83 điểm cầu từ tỉnh đến cơ sở với hơn 4.900 cán bộ, đảng viên tham dự.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung nhấn mạnh: Chuyên đề năm 2024 nhằm cung cấp những nội dung cơ bản về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng nền hành chính Nhà nước; vận dụng trong đẩy mạnh cải cách hành chính, Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đây còn là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần hơn nữa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng chí Lưu Văn Trung yêu cầu, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai Chuyên đề năm 2024 đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Chú trọng thảo luận, trao đổi về thực trạng, khó khăn, hạn chế; đề ra các giải pháp, tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề tồn đọng, vướng mắc trong cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao năng lực và phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Xác định rõ cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng là mục tiêu phục vụ, là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính các cấp; chuyển đổi tư duy, hành động từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”.
Truyền đạt chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đẩy mạnh CCHC gắn với CĐS, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII”, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II tại TP. Hồ Chí Minh nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra nền chính trị cách mạng Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đặt cơ sở vững chắc cho việc xây dựng nền hành chính hiện đại nước ta. Nền hành chính ấy, theo Hồ Chí Minh là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Người mong muốn xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để có nền hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần có quy trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ phù hợp, đủ số lượng, bảo đảm về chất lượng.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương xây dựng nền hành chính dân chủ, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, đề cao vai trò nền hành pháp, xác định CCHC là trọng tâm.
Chính phủ đã xây dựng và ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021- 2030. Trong đó, xác định rõ 5 lĩnh vực cần cải cách là về thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ và tài chính công.
Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những mục tiêu cơ bản như: phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Đối với Đắk Nông, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20 ngày 4/11/2022 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 09 ngày 1/11/2021 “về CĐS tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Để Chuyên đề năm 2024 đi vào thực tiễn cuộc sống, cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đẩy mạnh CCHC, CĐS. Các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nội dung CCHC; bảo đảm nguồn lực thực hiện CCHC.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được tăng cường, đẩy mạnh. Ngoài ra, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần cải thiện và nâng cao các chỉ số phát triển của địa phương; xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh; phát triển kinh tế số, xã hội số./.
Bảo Ngọc - Văn Thắng