Tham dự hội thảo, về phía Quốc tế có: TS. Guy Martini, Tổng thư ký mạng lưới CVĐCTC, Chủ tịch Hội đồng CVĐCTC; đại diện thành viên Mạng lưới CVĐCTC ở các nước có CVĐC.
Về phía Trung ương có bà Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa UNESCO (Bộ Ngoại giao); ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về CVĐCTC Việt Nam.
Về phía tỉnh Đắk Nông có bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo các nhà nghiên cứu, lãnh đạo các công viên địa chất đã trình bày 11 tham luận, với các chủ đề phong phú và đa dạng. Cụ thể là các tham luận: Một số thách thức đối với các Công viên địa chất tiềm năng ở Châu Phi và Châu Mỹ Latin; Di sản địa chất và Công viên địa chất ở Nhật Bản; Hành trình 12 năm phấn đấu cho danh hiệu CVĐCTC UNESCO Mudeungsan, Hàn Quốc và một số kết quả; Quá khứ, hiện tại và tương lai của CVĐCTC UNESCO Đảo Jeju; Sức mạnh của hợp tác mạng lưới: Ví dụ điển hình từ CVĐCTC UNESCO Aso và Mạng lưới Công viên địa chất Nhật Bản; Xây dựng công viên địa chất ở Việt Nam - một số khái niệm, kiến giải và đề xuất; CVĐCTC UNESCO Đắk Nông: Quá trình hình thành và định hướng phát triển; Sự đồng hành của các nhà khoa học trong xây dựng và phát triển CVĐC ở Việt Nam; Các giải pháp và thực tiễn về định hướng phát triển du lịch bền vững trên CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn; Bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng của CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng; Công viên địa chất Lạng Sơn: Tiềm năng, quá trình xây dựng và phát triển, kế hoạch trong thời gian tới.
PGS.TS Trần Tân Văn, Thành viên Hội đồng CVĐCTC UNESCO trình bày tham luận tại Hội thảo
Đây là sự kiện chào mừng cột mốc 15 năm phát triển Công viên địa chất ở Việt Nam, cũng là cơ hội để các cơ quan, ban ngành và các địa phương cùng nhìn nhận lại chặng đường 15 năm qua với những thành tựu, bài học kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển công viên địa chất.
Hội thảo là cơ hội để các đại biểu trong nước lắng nghe những kinh nghiệm về việc xây dựng và phát triển công viên địa chất
Hội thảo cũng là dịp để các cơ quan Trung ương và địa phương trao đổi, tìm ra các giải pháp quảng bá, thu hút khách du lịch đến với các công viên địa chất; tìm ra giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng; giải pháp trong việc quản lý, xây dựng và phát triển công viên địa chất ở Việt Nam một cách bền vững theo tiêu chí của UNESCO.
Hoàng Nhâm – Đức Hải