Tham dự hội thảo có ông Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Lãnh đạo các sở ngành liên quan; lãnh đạo BQL Dự án iLandscape; Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và gần 200 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hợp tác xã và nông dân trồng cà phê từ các tỉnh Tây Nguyên.
Đắk Nông có diện tích cà phê đứng thứ 3 cả nước sau Đắk Lắk, Lâm Đồng, với 140.000ha. Cà phê chiếm 37% diện tích cây trồng của tỉnh, sản lượng 360.000 tấn/năm. Đắk Nông có 400.000 người dân tham gia sản xuất cà phê.
Ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu đã thông qua Dự luật “Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu”. Theo đó, châu Âu cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.
Đây là thách thức lớn của ngành cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Nông nói riêng. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai kế hoạch hành động thích ứng với EUDR.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên nhấn mạnh: quy định EUDR không chỉ đặt ra thách thức cho ngành cà phê mà còn mở ra cơ hội để ngành hàng này phát triển bền vững hơn. Ông cho biết, để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, ngành cà phê Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường
Tại hội thảo, các doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất cà phê cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đặc biệt là quy trình sản xuất không gây phá rừng.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về tài chính và công nghệ để giúp nông dân cải tiến phương thức canh tác, từ đó đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Hội thảo đã tạo ra diễn đàn để các bên liên quan cùng thảo luận, tìm ra giải pháp giúp ngành cà phê Việt Nam duy trì thị trường EU và phát triển theo hướng bền vững.
Đây là hoạt động quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cho ngành cà phê về quy định mới của EUDR, có hiệu lực từ đầu năm 2025, yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu vào EU không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc gây tổn hại đến môi trường tự nhiên.
Hải Thanh – Minh Tiền