Trung bình mỗi ngày có đến 40 trường hợp mắc mới. Đa số các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện sớm, khám và điều trị kịp thời. Tuy nhiên vẫn có một số trường còn chủ quan, không điều trị kịp thời dẫn đến biến chứng gây suy giảm thị lực.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính với triệu chứng thường gặp như: sốt nhẹ, có thể kèm theo ho; mắt bị cộm, khô rát, đau, sưng, đỏ mắt, tiết nhiều dịch mắt và chảy nước mắt; nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em)... Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch tiết ở mắt của người bệnh, sau đó người bệnh dụi mắt rồi dùng tay cầm các vật dụng chung trong gia đình, hay bạn bè như ly cốc, khăn mặt, chậu rửa, chăn gối, ống thuốc nhỏ mắt, bàn ghế, bát đũa, điện thoại, bắt tay nhau v.v.
Ngoài ra, bệnh còn lây qua nước bọt của người bệnh có mang mầm bệnh như hôn, nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi không che miệng hoặc không mang khẩu trang. Vì vậy bệnh có thể lây lan mạnh trong gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và những nơi tập trung đông người.
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người đã bị đau mắt đỏ vẫn có thể bị nhiễm lại sau khi khỏi bệnh. Do vậy, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, mỗi người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ; người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.
Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng./.
Theo Sở Y tế Đắk Nông