Mỗi ngày, Khoa Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân đến thăm khám, phần lớn là người cao tuổi, đã điều trị lâu năm tại đơn vị và thường xuyên lựa chọn thuốc Đông y trong chữa trị bệnh. Tuy nhiên, việc thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc sắc trong thời gian gần đây khiến Trung tâm không thể đáp ứng nhu cầu cho người bệnh.
Hiện nay không chỉ Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil mà rất nhiều địa phương trong tỉnh đều thiếu các vị thuốc cổ truyền do vướng Thông tư 38/2021 của Bộ Y tế. Việc thiếu thuốc ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điều trị của đơn vị đồng thời cũng gây khó khăn cho người bệnh.
Cũng như Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil, Khoa Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Đắk Song đang trong tình trạng thiếu vị thuốc cổ truyền.
Trước những khó khăn hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Đắk Song phải cân đối để bảo đảm duy trì cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân nội trú. Với bệnh nhân ngoại trú sẽ phải cắt giảm thuốc y học cổ truyền, thay thế bằng chế phẩm hoặc thuốc tây y. Chỉ đạo Khoa Y học cổ truyền phát huy hiệu quả các phương pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng như: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, điện phân… kết hợp điều trị bằng thuốc tân dược.
Thực tế cho thấy, chữa bệnh bằng đông y đã góp phần điều trị hiệu quả một số bệnh mãn tính hoặc di chứng do tai biến để lại, cũng như giảm chi phí khám và điều trị bệnh. Các vị thuốc chủ yếu là những nguyên liệu đến từ thiên nhiên như hoa quả, thân cây, rễ, lá… nên hạn chế được tác dụng phụ đối với cơ thể người bệnh. Với những ưu điểm trên, tỷ lệ bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng đông y tại các cơ sở y tế ngày càng tăng.
Để công tác khám, chữa bệnh bằng đông y diễn ra liên tục, hiệu quả, ngành Y tế và các đơn vị liên quan cần sớm có giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong việc cung ứng thuốc.
T/h: Ngô Lan-Văn Chinh