Tham dự cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Đắk Nông có đồng chí Lê Văn Chiến, UVTV, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cùng các sở ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Nông
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) và các địa phương liên quan báo cáo về tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa; Biên Hòa – Vũng Tàu.
Đối với Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) có chiều dài khoảng 130 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư trên 31 nghìn tỷ đồng, điểm đầu giao với quốc lộ 14 hiện hữu tại Km 1915+900 (Km 1796+800 lý trình cao tốc đường Hồ Chí Minh) thuộc tỉnh Đắk Nông; điểm cuối tại khu vực huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cấp quyết định chủ trương đầu tư. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án là UBND tỉnh Bình Phước. Đến nay, nhà đầu tư là Liên danh Vingroup và Techcombank đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (báo cáo cuối kỳ).
Báo cáo với Bộ GTVT, đồng chí Lê Văn Chiến, UVTV, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đã có quyết tâm chính trị rất cao để triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Đồng thời, dự án cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, cũng như các Bộ, ngành Trung ương. UBND tỉnh Đắk Nông đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ như: trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 17/6/2022 thống nhất thực hiện dự án; cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để chi trả một phần kinh phí thực hiện dự án (1.000 tỷ đồng). Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan; ưu tiên, thẩm định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để chuẩn bị trước 1 bước trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn đất đắp phục vụ thi công xây dựng công trình. Phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước (Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án) và Nhà đầu tư xém xét, đánh giá và góp ý các nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do đơn vị tư vấn lập, đặc biệt là về phương án tuyến, tổng mức đầu tư, phương án đầu tư và các vị trí nút giao trên tuyến...
UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến kiến nghị một số vấn đề liên quan đến dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai hực hiện dự án, đồng chí Lê Văn Chiến, UVTV, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị với Bộ GTVT một số nội dung như: Sớm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước và điều chỉnh cục bộ tim tuyến đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông. Tạo điều kiện và tham mưu sớm đề xuất để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Để bảo đảm phương án tài chính của dự án có thời gian thu phí là 25 năm, đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn ngân sách Trung ương là 5.000 tỷ đồng (ngoài số ngân sách tỉnh Bình Phước 3.000 tỷ và Ngân sách tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ).
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương (Ảnh chụp qua màn hình trực tuyến)
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương phải hết sức khẩn trương, quyết liệt phối hợp với các Bộ, ngành, nhà đầu tư nỗ lực nhiều hơn nữa, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để dự án sớm được khởi công. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng lưu ý các địa phương triển khai các dự án đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa; Biên Hòa – Vũng Tàu và Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) quan tâm thực hiện một số nội dung như: tuân thủ việc chỉ định thầu theo quy định của pháp luật; quan tâm đến công tác tái định cư; rà soát, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật trong thi công, đặc biệt là tại các khu vực đất yếu, các nút giao, hầm chui, thoát lũ, điều chỉnh tuyến, quy hoạch vị trí các mỏ vật liệu, báo cáo tác động môi trường …
T/h: Lê Đại – Xuân Hạnh