Thác Băng Rúp hay còn gọi là Thác Trinh Nữ - một trong những điểm đến độc đáo và ấn tượng được các chuyên gia của Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông đánh giá cao.
Được ví là một trong những ngọn thác đẹp nhất Tây Nguyên, thế nhưng điều đáng tiếc là gần 7 năm qua, cảnh quan thiên thiên tuyệt đẹp này đã bị bỏ hoang. Rong rêu, cỏ mọc um tùm, cơ sở hạ tầng hư hỏng, xuống cấp trầm trọng - thật khó để hình dung địa điểm này trước đây từng là một khu du lịch có tiếng trong vùng.
Mặc dù đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đối với “Dự án nâng cấp, đầu tư, cải tạo điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ” nhưng từ năm 2015 đến nay, đơn vị đầu tư là Công ty TNHH TM DV SX khoáng sản Phú Gia Phát vẫn chưa thể triển khai dự án do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thuê đất, giao đất, gây lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư hạ tầng.
Không riêng thác Trinh Nữ mà nhiều cảnh quan, con thác khác của Đắk Nông như thác Lưu Ly, ở huyện Đắk Song, thác Đắk Buk So ở huyện Tuy Đức, Hồ Trúc ở huyện Cư Jut, Liêng Nung ở thành phố Gia Nghĩa… cũng đang trong tình trạng tương tự. Đa số bị bỏ hoang do thu hồi các dự án du lịch không hiệu quả hoặc hạn chế về hạ tầng giao thông.
Cùng chung số phận này, nhiều di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng đang trong tình trạng bị hoang hóa.
Di tích lịch sử cấp quốc gia – Căn cứ kháng chiến B4- Liên tỉnh IV tại huyện Krông Nô được đầu tư hơn 28 tỷ đồng với nhiều hạng mục như: khu khánh tiết, văn phòng làm việc của Ban cán sự B4, công sự bảo vệ Văn phòng liên tỉnh IV… Dự án được hoàn thành năm 2013, quyết toán năm 2019, thế nhưng hiện tại, chỉ sau 3 năm hoàn thành quyết toán, khu di tích lịch sử cấp quốc gia này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục đã hư hỏng không thể sử dụng.
Đắk Nông có 13 danh thắng, di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tuy nhiên, các di tích này chưa phát huy được giá trị và ý nghĩa, chưa khai thác hiệu quả du lịch.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 10 dự án khu, điểm du lịch được cấp chủ trương đầu tư nhưng chỉ có 4 dự án đã được đưa vào khai thác, đón khách du lịch. Đa số các dự án đều chậm tiến độ do vướng thủ tục đất đai, xây dựng. Đắk Nông vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và chuyên sâu về du lịch để đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm, mang tính chiến lược của tỉnh. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ và quy mô nhỏ.
Hiện tại, toàn tỉnh có 298 cơ sở lưu trú nhưng chỉ có 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 cơ sở được công nhận 2 sao và 15 cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Các hoạt động vui chơi, giải trí tại các khu, điểm du lịch còn thiếu, chất lượng chưa cao, chưa tạo được ấn tượng để giữ chân du khách.
Đắk Nông hiện có 28 điểm tham quan du lịch mang tính tự phát, 2 công ty lữ hành nội địa nhưng hoạt động chưa hiệu quả; nguồn nhân lực phục vụ du lịch được đào tạo bài bản còn thiếu và yếu; chỉ dẫn du lịch chưa thu hút. Chính vì vậy, khách đến Đắk Nông chỉ lưu lại thời gian ngắn.
Với nhiều lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, tuy nhiên, nhắc đến du lịch Đắk Nông, nhiều người chỉ nhớ đến Tà Đùng và Dray Sáp. Đắk Nông vẫn chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch mang tính “thương hiệu” riêng, đủ sức cạnh tranh với các địa phương khác trong khu vực vốn có nhiều nét tương đồng.
Sự kiện CVĐC Đắk Nông được công nhận là CVĐCTC Unesco đã tạo một “cú huých” trong phát triển du lịch Đắk Nông. Tỉnh đã xác định 44 điểm di sản thuộc 3 tuyến du lịch của CVĐCTC Unesco Đắk Nông nhưng đến nay, các tuyến du lịch này vẫn chưa được vận hành, chưa liên kết được với các tour, tuyến của các công ty lữ hành.
Cùng với những phong tục, tập quán của hơn 40 dân tộc anh em, Đăk Nông cũng có văn hóa ẩm thực đa dạng, đặc sắc với các món ăn nổi tiếng như: cá lăng nướng sông Sêrêpôk, canh thụt, rượu cần…được vinh danh TOP 100 món ăn, đặc sản quà tặng Việt Nam. Thế nhưng, những nét đặc sắc này cũng chưa được khai thác hệ thống, bài bản để giữ gìn, phát huy và phục vụ khai thác du lịch.
Xác định du lịch cộng đồng gắn với các giá trị đặc trưng của CVĐCTC Unesco Đắk Nông là “chìa khóa” cho sự phát triển bền vững, từ cuối 2018, Đắk Nông đã chọn 9 thôn, buôn, bon còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống để thí điểm xây dựng mô hình. Thế nhưng, hiện tại, ngoài xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa và xã Nâm Nung, huyện Krông Nô đang hoạt động cầm chừng, chưa thật sự hiệu quả, các điểm còn lại đều chưa khởi động được mô hình này.
Trong giai đoạn 2016-2020, Đắk Nông có khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu 180 tỷ đồng. Đây là những con số biết nói, cho thấy những tiềm năng mà ngành công nghiệp không khói mang lại. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thật sự tương xứng với những lợi thế, giá trị của thiên nhiên, vùng đất, con người Đắk Nông.
Đắk Nông cần có những giải pháp quyết liệt và cụ thể hơn nữa để giải quyết những vướng mắc, hạn chế. Đặc biệt, cần sớm xây dựng các mô hình du lịch phù hợp để đánh thức tiềm năng, đưa du lịch Đắk Nông thật sự bứt phá ./.
Trang Phan - Đức Hải