Theo đó, sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích lớn nhất cả nước với 24.233km2. Địa bàn rộng, nhưng hệ thống giao thông đường bộ kết nối giữa các địa phương còn nhiều khó khăn
Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng hạ tầng sau khi sáp nhập
Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng hỗ trợ kinh phí, đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông hiện hữu kết nối giữa 3 tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận.
Trong đó ưu tiên đầu tư, nâng cấp đối với quốc lộ 28 với tổng chiều dài 104km; xây dựng tuyến đường động lực thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) - huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng); đầu tư cải tạo, nâng cấp đường vào thủy điện Đồng Nai 4 qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, năm 2021, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này không có tuyến cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận nên tỉnh Lâm Đồng sẽ đề xuất chủ trương, kiến nghị Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch cao tốc Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận.
Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị đầu tư cao tốc này trước năm 2030 để đảm bảo kết nối các trung tâm thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) - thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) - thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) với khoảng cách ngắn nhất, tiết kiệm, thuận lợi, khả thi nhất. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ đề xuất chủ trương, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận, kết nối tuyến này với đường sắt Bắc - Nam.
Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng thành tỉnh mới có tên gọi Lâm Đồng.
Lê Đại
