Sau hơn 15 ngày khi vườn cây bị đốn hạ, ông Hoàng Đình Thược đang tiến hành thu gom tàn tích vườn cây.
Ông Hoàng Đình Thược đang thu gom tàn tích để trồng mới lại vườn cây
Ông Hoàng Đình Thược cho biết, ngày 31/1 khi gia đình về quê Thanh Hoá ăn Tết thì nhận được thông tin rẫy nhà mình bị chặt phá một phần diện tích cây sầu riêng, hồ tiêu và chanh dây. Khi quay trở về, ông Thược kiểm tra lại rẫy thì toàn bộ khoảng 77 cây sầu riêng trồng từ 2-7 năm tuổi và 53 cây hồ tiêu, 19 gốc chanh giây đang trong giai đoạn kinh doanh bị cắt đứt hoàn toàn. Ứớc tính tổng giá trị bị thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Vườn cây của ông Hoàng Đình Thược bị kẻ xấu chặt phá, chỉ còn lại trụ trồng tiêu
Vườn cây gia đình ông Thược có tổng diện tích hơn 1 ha nằm ở địa bàn xã Đăk N'drung, huyện Đăk Song. Ông Thược tích góp mua đất cách đây 2 năm trồng chủ yếu hồ tiêu, để lấy ngắn nuôi dài 2 năm trở lại đây ông trồng xen thêm sầu riêng. Việc bị kẻ xấu phá hoại tài sản đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình ông.
Lãnh đạo công an xã Đắk N’drung, huyện Đắk Song cho biết: đã nhận được đơn trình báo của gia đình ông Hoàng Đình Thược. Công an xã đã tiến hành xác minh thực địa và phối hợp với công an huyện sớm điều tra xử lý.
Vườn cây bị kẻ xấu phá hoại, chỉ còn lại trơ gốc
Hành vi chặt phá cây trồng dù là công khai hay lén lút đều là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân, nhất là gây mất an ninh trật tự khu vực nông thôn. Trường hợp gây thiệt hại nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Hoàng Đình Thược mong vụ việc sớm được làm sáng tỏ để, xử lý kẻ phá hoại đúng người đúng tội để gia đình yên tâm tiếp tục sản xuất
Tại Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Nếu tài sản bị hư hỏng có tổng giá trị tính ra tiền dưới 2 triệu đồng thì các chủ thể có thể bị xử phạt hành chính và bồi thường khoản tiền tương ứng với thiệt hại mà mình đã gây ra cho các chủ thể khá với một trong những hành vi sau đây:
- Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;
- Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;
- Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản
Nếu tài sản bị hủy hoại, bị làm hư hỏng trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì người có hành vi cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), với mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với các hành vi:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
Thậm chí nhiều trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể nhận mức án từ 2 năm đến 7 năm tù thậm chí 10 năm tù tuỳ mức độ thiệt hại về tài sản người bị hại
Trịnh Nga- Văn Hiệp