Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh, thành trong khu vực.
Về phía tỉnh Đắk Nông có các đồng chí: Lê Văn Chiến, UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Mai Thị Xuân Trung, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến nhấn mạnh, chuỗi sự kiện Hội nghị ngành công thương khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2023 diễn ra trong không khí tỉnh Đắk Nông chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh.
Đây là dịp để tỉnh Đắk Nông giới thiệu, quảng bá đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau 20 năm tái lập. Thông qua hội nghị, tỉnh Đắk Nông mong muốn Bộ Công Thương, các tỉnh khu vực Miền Trung - Tây Nguyên làm cầu nối để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư, liên kết sản xuất kinh doanh tại tỉnh.
Đánh giá tại hội nghị cho thấy, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành Công thương khu vực đã kịp thời tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp và chính sách cụ thể với các nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; huy động, chuẩn bị nguồn lực để thúc đẩy phục hồi kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy nội lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động...
Với tiềm năng, lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo, khoáng sản, thủy hải sản… ngành Công thương đã thu hút được một số dự án lớn phát huy hiệu quả tiềm, thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần vào phát triển ngành công nghiệp chung của cả nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Hội nghị đã thảo luận, nêu lên những khó khăn, hạn chế của ngành. Trong đó, số lượng doanh nghiệp, cơ sở tham gia phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá còn ít, chưa gắn kết xuyên suốt và chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản của nông dân. Sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành trong khu vực tăng trưởng thấp. Quy mô sản xuất và trình độ công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp trong khu vực còn hạn chế.
Sản phẩm chế biến thô và gia công còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp và cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của vùng.
Tại hội nghị, các đơn vị thuộc Bộ Công thương đã giải đáp những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của Sở Công thương các tỉnh, thành trong khu vực liên quan đến các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, thương mại…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, ngành Công thương khu vực đã đạt được những kết quả quả đáng khích lệ, đóng góp vào phát triển chung của toàn ngành. Song để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên cơ sở phù hợp với các định hướng phát triển 02 vùng chiến lược đã được Bộ Chính trị thông qua (Tây Nguyên; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ).
Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực phát triển công thương địa phương, xúc tiến thương mại, quản lý cạnh tranh… đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Hội nghị đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương cho các tập thế, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2017-2022.
Ngô Lan-Văn Chinh