Sau 2 tháng kể từ khi xảy ra tình trạng sụt lún đất, đến nay, căn nhà rộng 150m2 của ông Nguyễn Anh Thọ, ở thôn 8, xã Quảng Tân, đã lún sâu gần 2m, vết nứt gãy trên mặt đất rộng khoảng 1m và có nguy cơ đổ sập bất kể lúc nào. Khi xảy ra hiện tượng sụt lún, gia đình anh đã di chuyển đến nơi khác ở tạm. Trước đó, ngôi nhà mới xây được 4 năm của mẹ anh đã bị đổ sập hoàn toàn.
Nằm trong vùng đất bị sụt lún, nền nhà của chị Lê Thị Diệu cũng đã xuất hiện một số vết nứt; móng nhà phía sau đã bị hư hỏng một phần. Điều khiến chị Diệu lo lắng là tình trạng đất sụt lún vẫn đang diễn ra hàng ngày, đặc biệt là sau những trận mưa lớn.
So với đầu tháng 8/2023, hiện nay tình trạng nứt gãy đất, sụt lún tiến triển chậm hơn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chủ động theo dõi các vết nứt và mức độ sụt lún để có giải pháp ứng phó, không để xảy ra thiệt hại về người.
Khu vực xảy ra sụt lún đất ở thôn 8, xã Quảng Tân có địa hình dốc, địa chất yếu. Trước thực trạng có nhiều căn nhà bị sụt lún, hư hỏng do ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ, sạt lỡ đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua, đòi hỏi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần phải quan tâm hơn đến công tác khảo sát quy hoạch khu dân cư. Người dân không xây nhà trên nền đất yếu, các điểm có nguy cơ sụt lún, sạt trượt.
Ngô Lan-Văn Chinh