Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, các đồng chí Điểu K’ré, UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ VN tỉnh và các Sở, ban, ngành tham dự.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông
Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác PCTN, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, toàn diện và đạt nhiều kết quả quan trọng, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
10 năm qua, cả nước có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên Trug ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị xử lý hơn 2.000 văn bản luật có sơ hở, bất cập. Các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có gần 2.700 vụ án và hơn 5.800 bị can về tội tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7%.
Hội nghị cũng đã thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, tiêu cực. Các Bộ, ban, ngành, địa phương đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Theo Tổng Bí thư, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tổng Bí thư chỉ đạo, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng, bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hoá, biến chất.
T/h: Ngô Lan-Xuân Cảnh