Theo phê duyệt, 3 Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 có công suất 300 MW, với 81 trụ tuabin gió, dự kiến sẽ hoàn thành và phát điện thương mại trước ngày 31/10/2021. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không đúng như kế hoạch, vì nhiều vấn đề liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng và dịch Covid -19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài khiến cho dự án này không hoàn thành và mất đi cơ hội hưởng chính sách khuyến khích. Vì vậy, đến nay dự án chỉ thi công hoàn thành xong 40/81 trụ tuabin gió, tương đương với 140 MW.
Ông Nguyễn Huy Thung, Cán bộ Ban Quản lý dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 cho biết: “Công ty đã hoàn thành công suất 140MW, chỉ chờ hòa lưới điện Quốc gia, mỗi ngày chúng tôi mất 2,2 tỷ đồng do không bán được điện. Chúng tôi mong có chính sách mới để tiếp tục thực hiện phần còn lại của dự án, hiện tại đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, thiết bị, vật tư chúng tôi đã mua sắm cả rồi”.
Ông Thung cũng chia sẻ thêm, do dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 không kịp về đích đúng hạn nên đã kéo theo rất nhiều hệ lụy, làm vỡ phương án tài chính của công ty do không có nguồn thu, kéo theo việc trả lãi cho ngân hàng, lương cho người lao động và cho các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Huy Thung, Cán bộ Ban Quản lý dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 cho biết thêm: "Hàng ngày vẫn phải duy trì một lượng công nhân viên, nhà thầu, dù là chờ việc, chỉ một số thực hiện các hạng mục phụ trợ. Chúng tôi đã ký kết với nhà thầu rồi nếu dừng lại phải bồi thường. Chúng tôi còn phải trả lãi cho các khoản vay đã đầu tư vào dự án.”
Không được hưởng giá bán điện ưu đãi, không những các dự án điện gió phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mà sự tăng trưởng của địa phương cũng bị ảnh hưởng. Theo tính toán nếu toàn bộ Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 đi vào hoạt động hàng năm sẽ nộp cho ngân sách khoảng 300 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bá Út, TUV, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Nông cũng thông tin thêm về giải pháp tháo gỡ khó khăn như sau: “Sở Công thương rất quyết tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, một tháng qua đã chủ trì họp 3 lần, đã tham mưu cho UBND tỉnh về hướng tháo gỡ khó khăn. Chúng tôi được biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm sao thúc đẩy tiến độ của 3 dự án này cùng nhà máy Nam Bình sớm đi vào vận hành, hòa lưới điện Quốc gia”.
Theo Bộ công thương, trong tổng số 146 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ có 84 dự án được công nhận vận hành thương mại, hưởng cơ chế giá ưu đãi (FIT), trong đó có Nhà máy điện gió Đắk Hòa (Đắk Song) công suất 50MW. Theo giá bán điện ưu đãi đối với điện gió trên đất liền là 8,5 cent/kWh và 9,8 cent/kWh với điện gió ngoài khơi (khoảng 1.927 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT) trong thời gian 20 năm. Số còn lại với tổng công suất khoảng 3.500 MW đã không kịp tiến độ và không được công nhận.
Hiện Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cơ chế giá điện để áp dụng cho các dự án không kịp đưa vào vận hành, theo hướng là các chủ đầu tư sẽ thương thảo trực tiếp với bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Lê Đại – Xuân Hạnh