Vợ chồng anh Mạnh, chị H’Hơn, ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông tranh thủ xay xát cà phê để chuẩn bị trả cho một cửa hàng tạp hóa - nơi mà trước đó, anh chị đã chốt bán cà phê non.
Anh Mạnh cho biết, do cần tiền trang trải cuộc sống, tháng 7/2024, anh đã chốt bán hơn 3 tạ cà phê non với giá 6 triệu đồng/tạ. Hiện nay, giá cà phê cao gấp đôi so với thời điểm chốt bán, khiến gia đình anh thất thu một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, theo anh Mạnh, do cần tiền mới phải chốt bán cà phê non và việc chốt cà phê non được ví như một canh bạc, lời ăn lỗ chịu.
Gia đình chị Thị D’rơn, ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo đã chốt bán 4 tạ cà phê non với giá lần thứ nhất là 5,5 triệu đồng/tạ và lần 2 là 7 triệu đồng/tạ. Theo chia sẻ của chị Thị D’rơn, năm nay do nắng hạn, không có đủ nước tưới nên 1 ha cà phê của anh chị chỉ thu được 6 tạ. Trong khi đó, 4 tạ đã chốt bán với giá thấp nên kinh tế gia đình chị vẫn chưa thoát được cảnh khó khăn.
Thời gian qua, tất cả các hộ nghèo, cận nghèo ở bon Pi Nao, xã Nhân Đạo đều được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như: làm ăn không hiệu quả, vườn cây năng suất kém, gia đình có người ốm đau… nên nhiều hộ vẫn phải chốt bán cà phê non. Việc thường xuyên phải chốt bán cà phê với giá thấp khiến cuộc sống của nhiều gia đình chưa thoát được vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Người dân bon Pi Nao cho biết, năm nay do ảnh hưởng bởi nắng hạn, thiếu nước tưới, năng suất cà phê giảm khoảng 40% so với mọi năm. Cộng với việc chốt bán cà phê non nên cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để giảm tình trạng chốt bán cà phê non, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận đồng bà con nhân dân quản lý tốt tài chính, chi tiêu tiết kiệm, biết tích lũy… Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ, tạo thêm nhiều nguồn lực để người dân nơi đây phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cũng đang được tiếp tục triển khai.
Ngô Lan-Minh Tiền