15 năm nay, nghề trồng hoa cúc tết đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, ở thôn 7, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp vào dịp cuối năm.
Năm nay, ông Khanh trồng 1.500 chậu cúc tết, xuống giống đã được hơn 2 tháng. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, ra hoa đúng dịp tết Nguyên đán, thời điểm này, bên cạnh việc chong đèn, ông Khanh còn thực hiện che chắn để tránh ảnh hưởng bất thường của thời tiết.
Năm nay mưa nắng thất thường khiến hoa bị nấm bệnh nhiều, các nhà vườn trồng hoa cúc tết như ông Khanh chăm sóc cũng vất vả hơn.
Những ngày này, anh Lê Thành Luân cũng tất bật ngoài vườn để chăm sóc 1.100 chậu cúc Tết. Đây là năm thứ 4, anh Luân trồng hoa cúc tết. Từ nay đến Tết, để có được một chậu hoa đẹp, nở đúng dịp, anh tập trung tưới nước, bón phân, chăm chút bấm ngọn, thường xuyên theo dõi thời tiết để có biện pháp che chắn, chong đèn phù hợp.
Dù thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ có kinh nghiệm, nên những chậu hoa cúc của anh đang phát triển tốt, đến nay 30% số chậu đã được thương lái đặt mua.
Xã Kiến Thành là địa phương có diện tích trồng cúc chậu bán tết lớn nhất huyện Đắk R’lấp. Năm nào cũng vậy, tầm tháng 8 âm lịch, các hộ trồng hoa trên địa bàn lại bắt đầu xuống giống trồng, chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Dù vất vả, nhưng những năm gần đây, đầu ra, giá bán ổn định nên trồng cúc chậu bán tết đang là nghề tạo thu nhập khá cho nhiều nông dân trên địa bàn xã Kiến Thành. Từ nay đến Tết, người trồng hoa hi vọng thời tiết thuận lợi và đầu ra ổn định để có một vụ mùa thắng lợi.
Phan Đông-Thế Anh