Gia đình anh Võ Phú Thanh, xã Đắk Buk So trồng được hơn 5 sào cà chua ghép, với số lượng khoảng 13.000 cây giống. Sau hơn 2 tháng cà chua cho thu hoạch trên 40 tấn quả, với giá bán từ 15 đến 18 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu về hơn 250 triệu đồng.
Anh Võ Phú Thanh trồng 5 sào cà chua ghép trái vụ thu về hơn 250 triệu đồng.
Anh Võ Phú Thanh, xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trồng cà chua trái vụ năng suất không đạt bằng chính vụ nhưng giá cả cao hơn, những ai mà có đầu ra thì trồng trái vụ rất tốt”.
Để vườn cà chua sinh trưởng, phát triển cho năng suất cao, các nhà vườn trên địa bàn huyện Tuy Đức đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăm sóc khá bài bản. Hầu hết diện tích cà chua ngoài trời đều được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng màng phủ nông nghiệp để giữ ẩm, hạn chế dinh dưỡng bị rửa trôi, ngăn chặn cỏ dại, sâu bệnh.
Ông Trần Văn Tâm, Phòng NN&PTNT huyện Tuy Đức, Đắk Nông cho biết: “Hiện nay bà con trồng cà chua hướng tới sản xuất theo các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường quá trình bón phân hữu cơ cũng như sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh cho cây cà chua. Vì vậy mà chất lượng cà chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường”.
Nhà vườn trồng cà chua đã chú trọng đến an toàn thực phẩm nên có đầu ra ổn định
Năm 2022, huyện Tuy Đức trồng trên 48ha cà chua, tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Quảng Tâm và Đắk Buk So. Hiện nay, sản phẩm cà chua của huyện đang hình thành chuỗi liên kết, sản xuất theo nhu cầu thị trường nên sản phẩm làm ra xuất bán rộng rãi tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Cà chua được trồng tại xã Quảng Tâm và Đắk Buk So cho năng suất và chất lượng quả rất cao
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết: “Điều kiện tự nhiên tại đây rất phù hợp để phát triển cây rau, nên địa phương đang tập trung thế mạnh này. Địa phương cũng đã phối hợp liên kết với các tổ chức, các doanh nghiệp và giao cho Hội nông dân phối hợp với các đơn vị này để triển khai đến người dân”.
Tuy Đức phát triển thế mạnh cây rau màu để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân
Những năm qua, huyện Tuy Đức đã triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân khai thác hiệu quả lợi thế về khí hậu, đất đai để phát triển cây rau màu theo hướng hàng hóa và bền vững.
Huyện đã thực hiện chuyển đổi những vùng đất sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây rau màu. Để sản phẩm có đầu ra thuận lợi, địa phương đã liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Tuấn Bình – Thành Lam