Cà phê áp dụng phương pháp chế biến này phải được thu hái trái chín 100%. Sau đó đưa vào rửa sạch, loại bỏ những trái hư, phơi ráo nước và tiến hành ủ yếm khí trong nhiệt độ mát. Sau một thời gian, tiến hành kiểm tra hàm lượng axit, đường của cà phê sau khi yếm khí đạt đúng tiêu chuẩn thì đưa ra phơi chậm, khoảng 20 ngày nắng.
Cà phê được thu hái khi tỷ lệ trái chín đạt 100%
Gia đình chị Nguyễn Thị Phương, xã Nâm N’Jang có 5 ha cà phê canh tác theo hướng hữu cơ và áp dụng quy trình chế biến natural. Quy trình này đòi hỏi nghiêm ngặt hơn với cách làm cà phê thông thường. Để hạt cà phê đạt tiêu chuẩn đưa vào chế biến, chị Phương phải tuyển chọn những cây chín ngay từ vườn để hái, sau đó rửa sạch, lựa bỏ trái xanh ngay vòng đầu tiên để tiến hành ủ lên men trong vòng 48 giờ.
Cà phê sau khi được thu hái phải tuyển chọn, loại bỏ trái xanh
Để có một kg cà phê chế biến theo quy trình tự nhiên, nhiều hộ nông dân chấp nhận bỏ ra công sức, chi phí nhân công nhiều hơn so với sản xuất cà phê bình thường. Cụ thể như để cà phê đạt 100% trái chín, chị Phương phải chi thêm tiền huy động nhân công làm thêm vào ban đêm để tuyển lựa, loại bỏ trái xanh. Chi phí thu hoạch cũng tăng lên đến 1.800 đồng/kg, cao hơn 600 đồng so với thu hái cà phê thông thường. Tuy nhiên, bù lại giá cà phê chế biến theo phương pháp honey, natural cao hơn cà phê không áp dụng quy trình này. Hiện giá sản phẩm cà phê robusta Natural có giá 80.000 đồng/kg, cà phê mật ong Honay từ 60 – 65.000 đồng/kg, mức giá mua này cũng đảm bảo để các nông hộ có lãi.
Cà phê được rửa sạch trước khi ủ lên men
Nguyễn Thị Phương, ngụ xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cho biết: “Gia đình chúng tôi sản xuất cà phê đặc sản năm nay là năm thứ 2 rồi, sản lượng đầu ra ổn định. Năm ngoái chúng tôi sản xuất 1 tấn, năm nay cố gắng sản xuất 3 tấn, đã có đơn vị đặt hàng kí kết với gia đình. Sản xuất cà phê đặc sản đòi hỏi quy trình rất khắt khe nhưng giá bán rất cao”.
Áp dụng phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ và quy trình chế biến Natural đã giúp anh Nguyễn Văn Thủy, xã Nâm N’Jang nâng cao chất lượng vườn cây, giá trị sản phẩm cà phê. Theo anh Thủy, áp dụng phương pháp chế biến cà phê Natural tuy có vất vả, khá tốn công, nhưng anh cảm thấy rất vui vì sản phẩm mình làm ra đảm bảo chất lượng, giúp nâng cao giá trị, uy tín cho sản phẩm cà phê. Với hơn 3 ha cà phê, vụ thu hoạch năm ngoái gia đình anh Thủy làm được 2 tấn cà phê Natural, năm nay dự tính sẽ thu khoảng từ 8 – 10 tấn.
Để chất lượng cà phê sau thu hoạch đạt tiêu chuẩn, những năm qua, nhiều HTX, hộ nông dân trên địa bàn huyện Đắk Song đã áp dụng quy trình sản xuất thuận tự nhiên như sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sinh học để cải tạo đất, sử dụng các loại thuốc sinh học trong phòng trừ sâu hại, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người sản xuất, lẫn người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Ban kiểm soát HTX Nông nghiệp hữu cơ Bechamp, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông cho hay: “Hiện HTX đã sản xuất được 20 tấn cà phê Honey, hơn 10 tấn cà phê Natural. Năm nay tiếp tục phấn đấu sản lượng tối đa 40-50 tấn cà phê đặc sản. HTX phát triển theo hướng cà phê chất lượng cao giá bán ra cao gần gấp đôi so với cà phê xô, lợi nhuận mang lại cho các thành viên HTX tương đối ổn định”.
Sản xuất cà phê đặc sản mang lại nguồn thu ổn định nên nông dân rất phấn khởi
Huyện Đắk Song có hơn 22 nghìn ha cà phê, sản lượng đạt khoảng 56.000 tấn. Những năm qua, người dân trên địa bàn đã áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, RA, Rain forrest… Bước đầu người dân áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình chế biến Honey, Natural vào chế biến và hình thành các chuỗi liên kết chuỗi sản xuất, chế biến tiêu thụ cà phê nâng cao giá trị.
Tuấn Bình – Thành Lam