Năm 2022, hộ anh Lê Văn Thuyết, xã Đắk R’ Moan, thành phố Gia Nghĩa phá bỏ 03 ha cà phê già cỗi để chuyển sang trồng 300 cây sầu riêng. Anh Thuyết cho biết, trước khi trồng sầu riêng anh đã học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc để áp dụng vào canh tác nên sầu riêng phát triển khá tốt. Sầu riêng giờ cũng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên anh Thuyết tràn đầy hy vọng và dự kiến mở rộng thêm diện tích.
Anh Thuyết tập trung chăm sóc vườn sầu riêng trồng năm 2022
Hộ ông Nguyễn Ngọc Hiếu ngụ cùng xã cũng phá bỏ vườn cà phê năng suất thấp trồng 200 cây sầu riêng. Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, ngay từ lúc trồng ông Hiếu tiến hành chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Nhiều hộ nông dân tập trung chăm sóc sầu riêng theo hướng hữu cơ để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu
Trước sức hút và hiệu quả kinh tế cây sầu riêng mang lại, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh sẵn sàng phá bỏ cao su, cà phê già cỗi năng suất thấp, tiêu bị dịch bệnh để trồng sầu riêng.
Thị trường cây giống sầu riêng phục vụ nhu cầu nông dân cũng rất sôi động
Việc người dân ồ ạt mở rộng diện tích sầu riêng khiến cho thị trường cây giống sôi động. Để đáp ứng nhu cầu người dân, cơ sở kinh doanh cây giống Hiệp Phước, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa đã nhập về 03 loại giống sầu riêng gồm: Musaking, Ri 6 và sầu riêng Thái. Được biết, năm 2021 cơ sở này xuất bán được 20 ngàn cây giống và năm 2022 là 30 ngàn cây.
Diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Nông tăng hơn 1.000 ha so với năm 2021
Theo thống kê, năm 2022 diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh đạt 6.139 ha, tăng hơn 1.000ha so với năm 2021. Trong đó diện tích cho sản phẩm 2.039 ha, năng suất bình quân đạt 12 tấn /ha, sản lượng đạt 24.497 tấn. Hiện diện tích sầu riêng trồng tập trung nhiều ở các huyện Đắk Song 1.188 ha, Đắk Mil 1.240 ha, Tuy Đức 1.118 ha, thành phố Gia Nghĩa 669 ha và Đắk R’lấp 645 ha.
Giá sầu riêng những năm gần đây khá cao, hiệu quả kinh tế ổn định
Được biết, nguyên nhân diện tích sầu riêng tăng là do trong những năm gần đây giá sầu riêng khá cao, hiệu quả kinh tế ổn định hơn so với một số cây trồng khác nên người dân dần chuyển đổi sang trồng sầu riêng chuyên canh, hoặc xen canh trong các vườn cây công nghiệp để nâng cao thu nhập. Mặc dù cây sầu riêng đang đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân, tuy nhiên vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thị trường tiêu thụ vẫn hết sức bấp bênh, đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông khuyến cáo người dân trước khi trồng sầu riêng phải nắm vững kỹ thuật, mua cây giống tại các cơ sở uy tín, được cấp giấy phép kinh doanh, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đồng thời không nên ồ ạt mở rộng diện tích để tránh cung vượt cầu và phải tiến hành xây dựng mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, HTX đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT có văn bản khuyến cáo về sự phát triển nóng diện tích sầu riêng
Trước sự phát triển nóng của sầu riêng gần đây, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân thay vì tăng diện tích, sản lượng, cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sầu riêng. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống, phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm sầu riêng cũng như liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp./.
T/h: Tuấn Bình – Minh Tiền