Năm 2019, ông Lầu A Ửng ở xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa trồng 1.300 cây mít thái, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Theo đó, ông đã đầu tư trên 20 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun sương tận gốc, đường đi nội bộ. Ông Ửng tính toán, đã đầu tư tổng cộng 130 triệu, nhưng mới thu được 80 triệu. Đến cuối năm 2022, mít rớt giá thảm, đến mùa chẳng ai mua, kể cả đơn vị ký kết hợp đồng, vậy nên ông đã chặt bỏ vườn cây để chuyển sang chăm sóc sầu riêng.
Cây mít đã bị hộ ông Lầu A Ửng chặt bỏ còn trơ lại gốc
Ông Lầu A Ửng dọn dẹp cây khô do việc phá bỏ mít để lại
Ông Lầu A Ửng - Xã Đắk Nia bộc bạch: “Làm ra mà không có nơi tiêu thụ, bán cho thương lái Đồng Nai thì chi phí vận chuyển mất 3 triệu/tấn, không đủ chi phí, thấy lỗ nên tôi đã phá bỏ vườn mít”.
Tương tự, năm 2018, gia đình ông Hoàng Văn Huy ở xã Đắk Nia phá bỏ 02ha cà phê trồng gần 1.000 cây mít Thái. Ông Huy đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua giống, phân bón, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt.
Ông Huy cho biết, hiện ông mới thu được một vụ mít, còn bỏ hoang vườn cây trong 2 năm nay. Bây giờ ông quyết định chặt bỏ Mít để trồng cây khác. Theo ông Huy, việc trồng mít của gia đình gặp nhiều khó khăn, do chất lượng trái kém, sâu bệnh hại trong vườn nhiều, hiệu quả kinh tế không cao.
Ông Hoàng Văn Huy phá bỏ 3 ha mít để trồng sầu riêng do hiệu quả kinh tế không cao
Ông Hoàng Văn Huy chặt bỏ vườn mít 2 ha mà chưa kịp thu hồi đồng vốn bỏ ra
Ông Hoàng Văn Huy - Xã Đắk Nia cho hay: “Trồng mít từ năm 2019, đầu tư nhiều lắm, dùng thuốc xịt nhiều hơn sầu riêng, cho trái lại không chất lượng bằng Miền Tây và Đông Nam bộ, bán không được giá cao, chủ yếu bán hàng chợ, không có lời nên gia đình chặt bỏ đi để trồng sầu riêng”.
Hơn 1 tháng qua, giá mít Thái trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao và ổn định là do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, cũng như thời điểm này nguồn cung hạn chế vì lượng thu hoạch không còn nhiều. Giá mít tăng trở lại cũng giúp nhiều nhà vườn phấn khởi, nhưng cũng có không ít người tiếc nuối vì đã phá bỏ vườn cây.
Ông Bùi Phú Tôn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, tại xã Đắk Nia cho biết: Mít trồng ở Đắk Nông có chi phí vận chuyển cao làm giảm sức cạnh tranh, khó khăn trong quá trình tiêu thụ.
Mặt khác, trong quy chuẩn canh tác, các nhà vườn chưa đạt được những yêu cầu của mít xuất khẩu nên luôn bị thua thiệt so với các vùng trồng mít khác. Cũng theo Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, để đảm bảo tiêu chuẩn về mít xuất khẩu như: Trái tròn, cơm múi dày, ngọt thì người trồng mít cần phải thay đổi quy trình canh tác, giúp trái mít đạt được chất lượng như mong muốn.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân cho rằng, mít của Đắk Nông khó cạnh tranh do chi phí vận chuyển cao, chất lượng không bằng các nơi khác
Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có gần 1.400 ha mít, sản lượng ước đạt khoảng 5.700 tấn. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội tỉnh và một số tỉnh trong nước nên người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, thường bị các chủ vựa ép giá. Các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với cây ăn quả chưa rõ ràng, chưa bền vững nên hiệu quả chưa cao./.
Tuấn Bình – Minh Tiền