Theo PGS.TS Trần Tân Văn - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vết nứt đất là dấu hiệu của sạt lở. Vì vậy, người dân cần đề phòng khi nhận thấy vết nứt, tiếng động, chân sườn dốc có nước và bùn đất chảy ra. Đây là những dấu hiệu trực tiếp của trượt lở. Người dân cần di dời khẩn cấp.
PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, lý giải hiện tượng nứt đất tại Đắk Nông là do mưa lớn dài ngày khiến đất trở nên nặng, sức bền giảm, dẫn tới nguy cơ sạt lở.
Vết nứt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở. Vết nứt xuất hiện sẽ gây ra tiếng nổ để giải phóng năng lượng trong đất, vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt. Theo diễn biến này, nếu vết nứt rộng thêm, khả năng trượt sẽ càng cao. "Trong vài ngày, nếu vết nứt phát triển từ 200 m đến hàng cây số, có nghĩa khối trượt đang dịch chuyển và nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra" , PGS.TS Trần Tân Văn cho hay.
Những nơi có địa hình dốc và có các hoạt động dân sinh như xây nhà cửa, làm mất chân sườn dốc sẽ dễ xảy ra trượt khi mưa lớn kéo dài làm đất bão hòa cao. Vì vậy, cần giảm tác động đến sườn dốc, như đào đường, san phẳng, giải phóng mặt bằng xây nhà cửa... làm mất chân sườn dốc.
PGS.TS Trần Tân Văn khuyến cáo, trước mắt chính quyền cần di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, sau đó cử chuyên gia đến hiện trường khảo sát, quan trắc diễn biến. Nếu vết nứt lớn, rộng và dài ra, độ nguy hiểm càng cao. Về phương án lâu dài cần xây dựng bản đồ dự báo cảnh báo sớm.
T/h: Lê Đại